Khó khăn trong bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp
Việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) đã mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải, nước thải ở các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân sống xung quanh.
Ô nhiễm xung quanh
Có mặt tại CCN Yên Đồng, xã Yên Đồng (Yên Lạc) vào một ngày hè nóng bức, cảnh tượng trước mắt chúng tôi là những bãi tập kết chất thải nhựa, cùng những rãnh nước thải đen kịt, bốc mùi hôi thối. Chính những điều này đã làm cho bầu không khí nơi đây càng trở nên ngột ngạt, khó chịu.
Bà N.T.T, một người dân sống gần CCN Yên Đồng cho biết: "Ngày nào chúng tôi cũng bị “tra tấn” bởi thứ mùi hôi thối bốc lên từ các rãnh thoát nước thải và khói bụi, tiếng ồn từ các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong CCN.
Đáng nói là, lượng nước thải đen kịt, đặc quánh ở các rãnh thoát nước thải ở CCN còn chảy cả ra ruộng canh tác, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của chúng tôi. Rất mong các cấp, ngành và các doanh nghiệp trong CCN sớm có phương án xử lý để người dân chúng tôi không còn cảnh phải sống chung với ô nhiễm".
Theo UBND xã Yên Đồng, CCN Yên Đồng hiện có hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở SXKD đang hoạt động, giúp giải quyết việc làm cho gần 200 lao động của địa phương và các xã lân cận. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp trong CCN lại đang tạo ra nhiều sức ép đối với công tác bảo vệ môi trường của địa phương.
Nguyên nhân là do nguồn vốn còn hạn hẹp, nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng chưa đúng cách. Hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong CCN, chưa được đầu tư xây dựng tách biệt với hệ thống thoát nước mặt dẫn đến tắc bùn, tắc hệ thống. Hơn nữa, CCN còn không có hệ thống cây xanh chắn bụi, bãi tập kết, phân loại rác thải…
Thiếu kinh phí đầu tư
Đến nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc được quy hoạch 9 CCN, trong đó, có 5 CCN đang hoạt động là CCN Tề Lỗ, CCN Yên Đồng, CCN thị trấn Yên Lạc, CCN Đồng Văn và CCN làng nghề Minh Phương.
Trong số các CCN đang hoạt động, chỉ có 2 CCN là CCN Yên Đồng và CCN Tề Lỗ được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, với công suất thiết kế lần lượt là 250m3 và 500m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nên đến nay, cả 2 hệ thống xử lý nước thải này đều chưa thể đáp ứng được nhu cầu xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 32 CCN, với tổng diện tích gần 690 ha. Việc hình thành và phát triển các CCN đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong tỉnh tiếp cận đất đai, mặt bằng, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Tính đến tháng 12/2021, tỉnh đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng 16 CCN, với tổng diện tích gần 424ha, đạt gần 62% tổng diện tích quy hoạch. Trong số các CCN đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, có 11 CCN đi vào hoạt động, thu hút 516 doanh nghiệp, cơ sở SXKD, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 40% diện tích.
Có 4 CCN gồm: CCN Yên Đồng, CCN Tề Lỗ, CCN thị trấn Yên Lạc, CCN Hùng Vương - Phúc Thắng đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Hiện, các CCN đang giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động.
Ngoài các CCN đã thành lập và giao chủ đầu tư, trên địa bàn tỉnh còn có 4 CCN chưa thành lập nhưng đã cho 35 doanh nghiệp thuê đất, với tổng diện tích thuê là hơn 61ha, giúp giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, hiện nay, công tác bảo vệ môi trường ở các CCN chưa được quan tâm đúng mức. Theo đánh giá của Sở Công thương, đến nay, toàn tỉnh có 13/16 CCN được thành lập và giao chủ đầu tư chưa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
3 CCN còn lại đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng vẫn chưa đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các CCN chưa quy hoạch được bãi tập kết rác thải nên việc thu gom, xử lý chất thải công nghiệp vẫn được thực hiện cùng với rác thải sinh hoạt của người dân địa phương.
Đáng nói, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các CCN chưa thực sự chú trọng đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải, ký kết hợp đồng với các đơn vị có đủ điều kiện để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp, nhất là chất thải nguy hại…
Để giải quyết bài toán bảo vệ môi trường, phát triển các CCN theo hướng bền vững, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá lại những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường ở các CCN để có biện pháp giải quyết.
Giao trách nhiệm giải quyết, xử lý cho từng cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường trong các CCN. Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT cho các CCN theo quy định, ưu tiên cho các CCN tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các CCN; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong CCN thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và buộc các đơn vị vi phạm phải thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường theo quy định.