Khó khăn trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hoạt động khai thác trái phép đối với một số loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) tại một số địa phương vẫn có những diễn biến phức tạp; công tác bảo vệ các loại khoáng sản chưa khai thác còn hạn chế..., đòi hỏi sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao hơn nữa từ phía các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản tại huyện Sông Lô đã có chuyển biến tích cực. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản tại huyện Sông Lô đã có chuyển biến tích cực. Ảnh: Nguyễn Lượng

So với các tỉnh vùng đồng bằng và trung du, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có trữ lượng khoáng sản phong phú, đa dạng và tiềm năng với nhiều chủng loại khoáng sản có giá trị cao, bao gồm các nhóm khoáng sản, như nhiên liệu (than đá, than nâu, than bùn... tập trung ở các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương); kim loại (chì, kẽm, đồng, thiếc, sắt); phi kim (cao lanh, Keramzit...) và VLXD (đất sét làm gạch ngói, đá xây dựng, cuội cát sỏi).

Những năm gần đây, tốc độ xây dựng công nghiệp, đô thị, đường giao

thông, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh diễn ra mạnh mẽ nên nhu cầu khai thác khoáng sản VLXD thông thường tăng đột biến, đặc biệt là khai thác đất san lấp phục vụ thi công san nền các dự án, công trình.

Thực hiện quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), việc cấp phép khai thác khoáng sản được các cấp, các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc.

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các công ty cổ phần, công ty TNHH, các DN nhỏ và vừa với quy mô đầu tư thăm dò, khai thác không lớn; các mỏ, điểm mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, không tập trung.

Các tổ chức này được thành lập và có đủ điều kiện khai thác theo quy định của pháp luật, gắn với công tác BVMT, an ninh, an toàn lao động, sử dụng khoáng sản tiết kiệm và hiệu quả.

Công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát cũng được tăng cường, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Mặc dù vậy, công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi tại những địa bàn sông nước và khu vực giáp ranh giữa các tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế.

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương trong tỉnh, trong đó chủ yếu là khai thác cát sỏi lòng sông và đất đồi làm vật liệu san lấp.

Tuy không xảy ra thường xuyên, liên tục tại một vị trí và mức độ khai thác trái phép có quy mô nhỏ lẻ và diễn ra vào các thời điểm khác nhau, song hoạt động này đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; ảnh hưởng đến ANTT và đời sống của người dân địa phương.

Nguyên nhân do chính sách, pháp luật về khoáng sản còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, thiếu hoặc chậm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để bổ sung, sửa đổi, gây khó khăn trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện.

Chế tài xử lý vi phạm chưa phù hợp với hành vi, đối tượng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế các cấp thực hiện thu thuế, phí khai thác khoáng sản trên cơ sở số liệu kê khai của các DN không có đủ công cụ pháp lý để kiểm tra, xác định số liệu.

Hoạt động khai thác cát, sỏi diễn ra trên sông nước, trong khi hầu hết các cơ quan quản lý thiếu phương tiện di chuyển trên sông.

Các tuyến sông (sông Lô, sông Hồng) nằm giữa hai tỉnh nên việc quản lý, giám sát gặp rất nhiều khó khăn.

Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép tuy đã được tăng cường, nhưng việc xử lý sau kiểm tra chưa triệt để.

Các cấp, ngành chưa có cơ chế đồng bộ quản lý về quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với quản lý đất đai, sự phối hợp của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã nhiều khi không kịp thời; hình thức xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, đồng thời ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, BVMT, sinh thái, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 713 kèm theo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, chỉ rõ đối tượng khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ, gồm: Các khu vực đã cấp phép thăm dò khoáng sản nhưng chưa khai thác; các khu vực khai thác khoáng sản đã hết hạn, trả lại và đóng cửa mỏ; các khu vực khai thác khoáng sản còn hiệu lực; các khu vực nằm trong quy hoạch khoáng sản của địa phương và Trung ương; các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các ngành, địa phương trong công tác phối hợp, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng.

Phát huy chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép trên địa bàn của các tổ chức chính trị - xã hội.

Công khai quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm, khu vực cấp phép và chưa cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản.

Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản đối với các địa bàn giáp ranh giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang và Thành phố Hà Nội.

Các ngành chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời nắm bắt thông tin, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tài nguyên thiên nhiên có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ nền kinh tế nào. Trong đó, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo.

Vì vậy, khoáng sản cần phải được quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc CNH - HĐH, thúc đẩy phát triển KT - XH của các địa phương, nhất là hiện nay khi nhiều nguồn tài nguyên vô giá trong tự nhiên đang ngày càng bị khai thác bừa bãi và có nguy cơ cạn kiệt.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72643/kho-khan-trong-cong-tac-bao-ve-khoang-san-chua-khai-thac.html