Khó khăn trong công tác xử lý chất thải tại các đơn vị y tế

Các khó khăn vướng mắc về cơ sở pháp lý cũng như do hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại thường xuyên hư hỏng và công suất không đáp ứng nhu cầu.

Hoạt động của ngành Y tế phát sinh nhiều chất thải nguy hại cần xử lý đúng quy định để bảo vệ môi trường (trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán phát hiện bệnh lao tại cộng đồng)

Hoạt động của ngành Y tế phát sinh nhiều chất thải nguy hại cần xử lý đúng quy định để bảo vệ môi trường (trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán phát hiện bệnh lao tại cộng đồng)

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, có nhiều vướng mắc về cơ sở pháp lý trong công tác này. Cụ thể, trên địa bàn TP Đà Lạt, theo nội dung tại Kế hoạch số 3876/KH-UBND (ngày 26/6/2019) về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Công ty Dịch vụ Đô thị TP Đà Lạt là đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP Đà Lạt (cụm 1); trong đó có các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và Trung tâm Y tế TP Đà Lạt. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đấu thầu quy định gói thầu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại của các đơn vị (có giá gói thầu trên 100 triệu đồng) phải thực hiện quy trình đấu thầu theo quy định. Như vậy, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà thầu trúng thầu không phải là Công ty Dịch vụ Đô thị TP Đà Lạt thì trái với quy định của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 3876/KH-UBND.

Trên địa bàn TP Bảo Lộc, căn cứ Kế hoạch số 3876/KH-UBND quy định việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở theo mô hình cụm cơ sở y tế. Trong đó, quy định Quy hoạch cụm xử lý trên địa bàn TP Bảo Lộc do Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc thực hiện. Tuy nhiên, hiện công ty này lại không có tư cách pháp nhân về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm (không có giấy phép xử lý và năng lực xử lý mà chỉ là đơn vị vận chuyển), do đó các đơn vị y tế trên địa bàn TP Bảo Lộc ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc khi Công ty này chưa có giấy phép là sai quy định.

Trên địa bàn các huyện trong tỉnh, căn cứ Kế hoạch số 3876/KH-UBND quy định việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở theo mô hình cụm cơ sở y tế, trong đó, địa bàn các huyện sẽ do Trung tâm Y tế các huyện thực hiện việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại do mình phát sinh ra, được phép xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các phòng khám, trạm y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 70 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ có quy định: “Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận (mô hình cụm) theo quy định của UBND cấp tỉnh thì không được coi là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại” nên Trung tâm Y tế các huyện hiện không được coi là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại và chỉ thực hiện việc xử lý chất thải cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn theo quy định của UBND tỉnh. Hiện nay, các Trung tâm Y tế huyện chưa có cơ chế thu phí và giá thu đối với việc hợp đồng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại để xử lý cho các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn.

Khó khăn do hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại thường xuyên hư hỏng và công suất không đáp ứng nhu cầu. Thực hiện Kế hoạch số 3876/KH-UBND, Trung tâm Y tế các huyện trong tỉnh hiện đều có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng phương pháp hấp hoặc lò đốt chất thải, tuy nhiên các hệ thống này đã được đầu tư lâu ngày nên thường xuyên hư hỏng, công suất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại địa phương. Cụ thể như Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng xử lý chất thải y tế bằng lò hấp tiệt khuẩn, sử dụng nồi hấp cũ của đơn vị và có dấu hiệu xuống cấp gây áp lực quá tải hiện đơn vị hấp chất thải có khối lượng khoảng 10-15 kg/mẻ/2h/ ngày, việc hấp liên tục rất dễ gây hư hỏng máy. Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng hiện chỉ hấp cho đơn vị khoảng 1 mẻ/ ngày và xử lý thêm chất thải y tế tư nhân với số lượng nhỏ với 2 mẻ/tuần. Trong thời gian từ ngày 1/1/2024 đến nay đơn vị đã sửa máy 2 lần lý do cháy nguồn và mối nối nồi hấp do quá tải. Hiện nay, có một số phòng khám tư nhân trên địa bàn huyện hợp đồng với Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng với lượng chất thải lây nhiễm khoảng 15-20 kg/lần vận chuyển lên đơn vị làm tăng lên lượng rác phải xử lý thêm rất nhiều gây ra quá tải trong công tác xử lý chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Nếu đơn vị tiếp tục nhận hợp đồng xử lý chất thải cho các phòng khám tư nhân bên ngoài nhiều, thì sẽ không đảm bảo quy trình xử lý chất thải và gây ra sự ùn ứ rác thải từ các nơi về tại Trung tâm Y tế.

Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm đang sử dụng máy hấp chất thải y tế thường xuyên bị báo lỗi hay trục trặc về gioăng, cảm biến áp suất buồng hấp mà chi phí cho mỗi lần sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng quá cao đơn vị không có nguồn kinh phí cho các hoạt động sửa chữa này.

Trung tâm Y tế Đam Rông có lò đốt chất thải y tế hoạt động trong tình trạng đã xuống cấp nên cũng ảnh hưởng đến quá trình vận hành xử lý đốt rác. Ngoài ra, do lò đốt gần khu dân cư nên đã ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh. Đơn vị chưa liên kết được với bên thu gom chất thải rắn tái chế như các lọ thuốc kháng sinh, ống thủy tinh nước cất gây khó khăn trong công tác lưu trữ rác thải tái chế. Hiện nay, có một số phòng khám tư nhân muốn hợp đồng đốt rác thải lây nhiễm tại phòng khám với Trung tâm Y tế huyện Đam Rông nhưng do lò đốt của đơn vị vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp giấy xác nhận hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong giai đoạn hoạt động của cơ sở. Vì vậy, đơn vị chưa hợp đồng được với các phòng khám y tế tư nhân do không đáp ứng được thủ tục pháp lý.

Lò đốt chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Di Linh được đưa vào sử dụng từ năm 2011 với công suất 15 kg/h. Nhiều năm qua, Trung tâm Y tế Di Linh đã trích kinh phí duy tu sửa chữa lò đốt, thay ống khói để duy trì hoạt động xử lý chất thải lây nhiễm của trung tâm và 19 trạm y tế xã, thị trấn, 2 phòng khám đa khoa khu vực. Từ năm 2022 đến nay, giường bệnh kế hoạch của đơn vị từ 100 giường bệnh nâng lên 160 giường bệnh, lượng bệnh đông, rác thải nhiều nên lò đốt ngày càng quá tải và xuống cấp. Các năm qua, Trung tâm Y tế huyện Di Linh đã đề xuất xin nguồn kinh phí để sửa chữa, đại tu nhưng chưa được giải quyết, trong khi nguồn kinh phí trung tâm quá hạn hẹp. Trong thời gian chờ được phê duyệt và đầu tư lò hấp rác để xử lý theo công nghệ hấp mới đi kèm đề án xây dựng mở rộng phát triển trung tâm 2026-2030. Trung tâm Y tế huyện Di Linh rất cần nguồn vốn đầu tư để sửa chữa tạm thời lò đốt hoạt động trong vài năm tới.

Trung tâm Y tế huyện Đạ Huoai (cũ) đang sử dụng máy hấp chất thải y tế công suất 12,5 kg/ lần do Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2 đầu tư đưa vào sử dụng từ đầu năm 2020, thời gian đầu hoạt động tốt, nhưng mấy năm gần đây rất hay bị trục trặc kỹ thuật không hoạt động. Mỗi lần thay thế linh kiện phụ tùng giá rất đắt tiền và phải chờ đợi, do đó ảnh hưởng đến công tác xử lý chất thải tại địa phương. Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh (cũ) hiện sử dụng máy xử lý rác thải y tế (công nghệ nghiền, hấp tiệt trùng) công suất xử lý một ngày khoảng 70 kg rác nhưng hay gặp sự cố và hư hỏng, thời gian chờ khắc phục, sửa chữa rất lâu. Nếu tình trạng máy gặp sự cố kéo dài, khó sửa chữa thì đơn vị sẽ không đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải y tế lây nhiễm hiện nay. Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên (cũ) có lò đốt chất thải y tế được trang bị từ năm 2008 đến nay đã xuống cấp hay bị hư hỏng, thường xuyên phải bảo trì nên đôi lúc xử lý chất thải y tế chưa được đảm bảo theo quy định.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202412/kho-khan-trong-cong-tac-xu-ly-chat-thai-tai-cac-don-vi-y-te-aee2557/