Khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực miền núi

Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho vùng sản xuất tại các huyện miền núi.

Hồ Ngọc Quân, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) bị xuống cấp, đang rất cần được đầu tư.

Vì vậy, vấn đề này luôn được các sở, ngành và chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn.

Tại huyện Như Thanh, để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, nhiều năm qua, huyện đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Hồ, đập, trạm bơm, kênh mương, đường giao thông nội đồng, hệ thống điện... Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, từ các nguồn vốn lồng ghép, toàn huyện đã kiên cố được hơn 20 km kênh mương; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 29 công trình thủy lợi. Việc đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp đã tạo điều kiện để huyện phát triển được 374 gia trại, trang trại, trong đó có 16 trang trại đạt tiêu chí; đồng thời, thực hiện chuyển đổi và luân canh được 298 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các cây khác phù hợp với nhu cầu thị trường, cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Mặc dù đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu để phát triển nông nghiệp của huyện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn được đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nhằm chủ động nguồn nước trong quá trình sản xuất mới chỉ đáp ứng hơn 50% diện tích, số diện tích còn lại phụ thuộc vào nước trời. Bên cạnh đó, do tác động của thiên tai làm hư hỏng các công trình, trong khi nguồn vốn hạn chế, nên việc sửa chữa, tu bổ không được kịp thời, đồng bộ, khiến nhiều công trình không phát huy được hiệu quả. Còn đối với hạng mục kiên cố hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, do diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu có địa hình ruộng bậc thang, khiến cho việc xây dựng gặp khó khăn, chi phí cao trong khi nguồn vốn đầu tư hạn chế, không có nguồn vốn đối ứng, nên huyện chưa thể thực hiện đầu tư.

Trên địa bàn huyện Lang Chánh có 3 hồ, 109 đập và 178 km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi này đa phần đều đã xây dựng từ lâu, tỷ lệ hệ thống kênh mương được kiên cố hóa thấp, phần đa vẫn là đất; năng lực tưới, tiêu thấp; trong khi công tác quản lý, tu sửa, nâng cấp lại hạn chế, nên đa phần đều đã xuống cấp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, nhiều năm qua, huyện Lang Chánh đã quan tâm, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, huyện còn kêu gọi sự đầu tư của các dự án hỗ trợ có vốn đầu tư từ nước ngoài để thực hiện xây mới, tu bổ, nâng cấp các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, xây dựng giao thông nội đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn bố trí hạn chế, nên tỷ lệ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được xây mới, nâng cấp, tu bổ vẫn còn thấp. Hiện tỷ lệ hệ thống kênh mương tưới, tiêu được kiên cố hóa trên địa bàn huyện mới được khoảng 30%, tương đương với gần 60 km, có 1 hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, khả năng tích nước kém nhưng chưa có nguồn vốn để thực hiện tu sửa, nâng cấp. Đối với hệ thống đập, hiện phần đa vẫn là đắp bằng đất, nên luôn trong tình trạng xuống cấp. Nhìn vào hiện trạng trên cho thấy, tỷ lệ cơ sở hạ tầng được đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lang Chánh còn thấp, điều này khiến cho việc phát triển nông nghiệp theo định hướng tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo đánh giá, phân tích của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lang Chánh, sở dĩ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế là bởi, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện có xuất phát điểm thấp, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, manh mún, địa hình dốc, vì vậy muốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn sử dụng để đầu tư chủ yếu từ lồng ghép các chương trình, lại không có nguồn đối ứng, nên bị giới hạn, dẫn đến việc các công trình không được đầu tư xây dựng cũng như tu bổ, nâng cấp đồng bộ, hiệu quả đầu tư không cao. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, do hầu hết các công trình được giao cho cấp xã, thôn quản lý theo hình thức cộng đồng, nên việc phát hiện các hư hỏng, xuống cấp không kịp thời, dẫn đến tình trạng nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, vượt quá khả năng, nguồn lực đầu tư.

Tìm hiểu thêm một số địa phương ở khu vực miền núi, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, ngoài trở ngại về vốn, địa hình, thì tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ, thiếu sự chủ động trong việc bố trí nguồn ngân sách hoặc huy động nguồn vốn trong nhân dân để thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình của các huyện miền núi là nguyên nhân khiến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực này bị hạn chế. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương khu vực miền núi chủ yếu đầu tư vào phát triển lĩnh vực trồng trọt, còn lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản còn chưa được quan tâm, dẫn đến việc cơ sở hạ tầng giữa các lĩnh vực chưa đồng đều. Ngoài ra, công tác quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình rộng, khiến việc kiểm tra, phát hiện những điểm hư hỏng chưa kịp thời.

Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các huyện miền núi của tỉnh đều đang trong tình trạng thiếu và yếu.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các huyện miền núi của tỉnh đều đang trong tình trạng thiếu và yếu.

Trong đó nhiều công trình thủy lợi đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các hồ đập. Hơn nữa, do có xuất phát điểm thấp, nên tỷ lệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng được kiên cố hóa còn thấp. Đây đang là rào cản lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là thực hiện tái cơ cấu ở các địa phương miền núi. Bởi vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khu vực miền núi, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã và đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở nguồn vốn đã được phân bổ và hướng dẫn của các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, trong đó có Ban Dân tộc, những năm qua, các địa phương khu vực miền núi đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng nhiều công trình, chủ yếu là các công trình giao thông nội đồng, công trình thủy lợi, kênh mương, hồ, đập...

Mặc dù đã ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, song do nguồn vốn hạn chế, nên việc đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình chưa được đồng bộ. Bởi vậy, Ban Dân tộc đang đề nghị các địa phương cần đa dạng hóa nguồn vốn thông qua việc có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc; đồng thời, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển. Điều quan trọng là cần xóa bỏ được tâm lý trông chờ, ỷ lại của đồng bào các dân tộc vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Lương Văn Tưởng

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp

Để phát triển nông nghiệp, nhất là đối với các địa phương khu vực miền núi, những năm qua, ngành nông nghiệp luôn chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Hồ, đập, trạm bơm, kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng...

Để phát triển nông nghiệp, nhất là đối với các địa phương khu vực miền núi, những năm qua, ngành nông nghiệp luôn chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Hồ, đập, trạm bơm, kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng...

Tuy nhiên, việc đầu tư tại các huyện miền núi còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là do nguồn vốn đầu tư từ các chương trình hỗ trợ hạn chế, trong khi đa phần các huyện miền núi đều có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ, không chủ động huy động nguồn lực từ các nguồn xã hội hóa. Vì vậy, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, các huyện khu vực miền núi cần chủ động huy động nguồn lực từ việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, thực hiện công tác xã hội hóa, nhất là đầu tư, sửa chữa kịp thời những hư hỏng phát sinh do thiên tai đối với các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý đối với những công trình thủy lợi được giao quản lý hoặc quản lý theo hình thức cộng đồng, nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng phát sinh để có phương án xử lý kịp thời, tránh tình trạng để cho công trình xuống cấp, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí vốn đầu tư.

Nguyễn Viết Thái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp

và Phát triển nông thôn tỉnh

Chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Xã Thành Tiến (Thạch Thành) có hơn 20 km kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu cho hơn 600 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa.

Xã Thành Tiến (Thạch Thành) có hơn 20 km kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu cho hơn 600 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa.

Những năm qua, xã Thành Tiến đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp thông qua việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và vận động sự đóng góp của nhân dân trong xã. Nhờ đó, toàn xã đã kiên cố hóa được 60% kênh mương nội đồng, tương đương với 12km.

Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tưới, tiêu, phục vụ sản xuất. Vào thời điểm khô hạn, cuối vụ chiêm xuân, đầu vụ thu mùa, những khu vực có hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, nguồn nước không bị thất thoát, nên việc tưới dưỡng cho lúa trở nên thuận lợi, tiết kiệm được nguồn nước. Cũng nhờ việc quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện cho xã xây dựng được vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, với quy mô 80 ha, năng suất bình quân đạt hơn 65 tạ/ha/vụ.

Bùi Quốc Tự

Chủ tịch UBND xã Thành Tiến,

huyện Thạch Thành

Cần quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Xã Tam Lư (Quan Sơn) có 14 đập và 16,2 km kênh mương phục vụ 201 ha sản xuất nông nghiệp của toàn xã.

Xã Tam Lư (Quan Sơn) có 14 đập và 16,2 km kênh mương phục vụ 201 ha sản xuất nông nghiệp của toàn xã.

Các công trình này là điều kiện quan trọng để xã phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Những năm qua, UBND huyện Quan Sơn đã quan tâm, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ để đầu tư kiên cố hóa, nâng cấp các công trình. Hiện, xã đã có 9/14 đập và 11/16,2 km kênh mương được kiên cố hóa. Tuy nhiên, do nguồn vốn được phân bổ ít, nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các công trình còn hạn chế. Ngoài những đập đắp bằng đất và kênh mương chưa được kiên cố, thì còn có một số đập đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, như: Đập chứa nước ở bản Hát, đập tưới ở bản Tình, bản Hát... Do vậy, đề nghị các cấp chính quyền cân đối nguồn vốn để hỗ trợ xã tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hà Văn Tựng

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lư,

huyện Quan Sơn

Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/kho-khan-trong-dau-tu-xay-dung-co-so-ha-tang-phuc-vu-san-xuat-nong-nghiep-khu-vuc-mien-nui/102350.htm