Khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở
Hiện số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các xã, thị trấn rất lớn, nhưng nhỏ lẻ, manh mún; trong khi đó, đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm lại quá mỏng.
Mặt khác, các quy định về quản lý an toàn thực phẩm còn bất cập, gây khó khăn cho việc quản lý ở cơ sở.
Còn thiếu cán bộ chuyên trách
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Thanh, toàn huyện hiện có 972 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Phần lớn là các cơ sở do cấp xã quản lý, với 804 cơ sở (616 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 188 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng và có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường số lượng và đa dạng hóa các hình thức truyền thông về an toàn thực phẩm, nhất là ở các xã, thị trấn.
Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, các xã, thị trấn đã kiểm tra, giám sát được 225 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó có 29 cơ sở sản xuất, 160 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống và 36 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; đã xử phạt 20 cơ sở (10 cơ sở sản xuất; 4 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống; 6 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố) với số tiền là 32,5 triệu đồng.
“Các lỗi vi phạm chủ yếu là sử dụng lao động tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm theo quy định. Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh theo quy định…”, bà Nguyễn Thị Thanh cho hay.
Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hà, hiện số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế quản lý là 1.376 cơ sở (1.216 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 160 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Trong đó, cấp xã quản lý 1.117 cơ sở, gồm có 957 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 160 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Hiện tại, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở còn khó khăn do nhân lực tại các xã, thị trấn được phân công theo dõi về an toàn thực phẩm chủ yếu là kiêm nghiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác.
Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) Trần Thế Anh cho biết, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương còn nhiều khó khăn. Số lượng cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố lớn, nhưng đều nhỏ lẻ; công cụ, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra thiếu và lạc hậu, nên đa số đánh giá bằng cảm quan, khiến việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi, chủ yếu là nhắc nhở.
Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và thực phẩm bao gói sẵn; kinh doanh thức ăn đường phố… đều không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở.
Phối hợp quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm từ cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho cán bộ cấp xã, thị trấn. Các xã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của huyện trong công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ hành vi của cộng đồng về an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, thời gian tới, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho các thành viên Ban Chỉ đạo xã, thị trấn, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Các ngành chức năng cần công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái quy định của pháp luật.
Có thể nói rằng, vấn đề an toàn thực phẩm rất quan trọng, các ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, cử cán bộ có chuyên môn tham gia quản lý an toàn thực phẩm; đồng thời bổ sung trang thiết bị kiểm nghiệm nhanh, đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, hạn chế tối đa tác hại do mất vệ sinh, an toàn thực phẩm gây ra cho đời sống, sức khỏe cộng đồng.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kho-khan-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-o-co-so-676393.html