Khó khăn trong quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác quản lý trong lĩnh vực này ở một số địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập, tình trạng giết mổ GSGC thủ công, tự phát tràn lan, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.

Chi cục Thú y kiểm soát hoạt động giết mổ lợn tại cơ sở giết mổ tại huyện Văn Lâm

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 cơ sở, điểm kinh doanh, giết mổ GSGC đang hoạt động nhưng chỉ có 40 cơ sở đăng ký kiểm soát hoạt động giết mổ với cơ quan chuyên môn, chủ yếu ở huyện Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên. Những cơ sở còn lại chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ tại các chợ, khu dân cư và không đăng ký hoạt động kinh doanh nên khó có thể truy xuất được nguồn gốc đối với sản phẩm chăn nuôi, chưa quan tâm đến công tác kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại khu vực chợ thị trấn Văn Giang (Văn Giang), tình trạng giết mổ gia cầm diễn ra hằng ngày. Mỗi điểm giết mổ gia cầm thường chỉ có một nồi nước sôi để dùng cho hàng chục con gà, vịt, ngan và vài chiếc chậu trong tình trạng cáu bẩn. Khu vực nhốt gia cầm, chất thải, nước thải tràn ra lênh láng, bốc mùi hôi. Gia cầm được mổ ngay trên nền đất khu vực giết mổ… Đây chính là nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chị Trần Thị Minh ở xã Phụng Công (Văn Giang) chia sẻ: Vẫn biết là thuê giết mổ gia cầm tại các chợ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng do ngại giết mổ tại nhà nên tôi vẫn thuê giết mổ tại điểm mua gia cầm. Trước khi chế biến, tôi xát muối và rửa lại nhiều lần để bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình.

Hiện nay, cơ quan chuyên môn đang gặp khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ GSGC do lực lượng cán bộ, nhân viên thú y mỏng, các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ ngày càng gia tăng, hoạt động tự phát, nằm xen kẽ trong khu dân cư, chủ yếu hoạt động theo mùa vụ. Đồng chí Vũ Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh – kiểm dịch động vật (Chi cục Thú y) cho biết: Hoạt động giết mổ GSGC thường diễn ra vào ban đêm nên khó kiểm soát, quản lý được chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Theo phân cấp trách nhiệm và quan hệ phối hợp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn, Chi cục Thú y có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở giết mổ, giám sát hoạt động giết mổ đối với các cơ sở đăng ký kiểm soát giết mổ. Đối với các cơ sở, điểm giết mổ tự phát, thẩm quyền quản lý thuộc về UBND cấp xã. Thực tế cho thấy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm việc xử lý các điểm giết mổ GSGC tự phát hoặc chế tài chưa đủ mạnh để xử phạt răn đe.

Tình trạng buôn bán, giết mổ GSGC nhỏ lẻ, tự phát không chỉ là việc làm có hại, mà còn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Để tăng cường công tác quản lý giết mổ GSGC, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; trong đó, chú trọng hỗ trợ, khuyến khích việc đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Hằng năm, Chi cục Thú y thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ, điểm thu gom, trung chuyển GSGC, lấy mẫu thịt kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, lấy mẫu nước tiểu động vật kiểm tra nhanh chất cấm… nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm; chỉ đạo trạm thú y huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, cập nhật các cơ sở giết mổ GSGC để theo dõi, quản lý; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. Năm 2022, Chi cục Thú y đã ra quyết định xử phạt 3 cơ sở giết mổ GSGC vì kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc động vật trên cạn bị ô nhiễm vi sinh vật với tổng số tiền xử phạt trên 13 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã kiểm soát giết mổ trên 20 nghìn con gia cầm, gần 2 nghìn con lợn; kiểm dịch động vật trên 25 nghìn con lợn, trên 60 nghìn con gia cầm. Bên cạnh công tác quản lý của ngành chuyên môn, người dân cũng cần thay đổi thói quen sử dụng thịt nóng để bảo đảm sức khỏe của gia đình và cộng đồng.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202304/kho-khan-trong-quan-ly-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam-a2e0537/