Khó khăn trong quản lý thuốc, thực phẩm bán qua mạng
Trào lưu mua bán thực phẩm qua mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử và xách tay đã khiến việc kiểm soát, giám sát chất lượng thực phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc trở nên khó khăn.
Thông tin trên là nhấn mạnh của lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm diễn ra sáng 7/5.
Hội nghị đã tập trung vào phân tích các nguyên nhân, bất cập trong quản lý, giám sát thuốc, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trên môi trường mạng. Về thể chế trong quản lý thuốc, Cục Quản lý dược cho biết chế tài xử phạt quá thấp chỉ từ vài trăm nghìn đến 6 triệu đồng đối với lỗi vi phạm hàng không rõ nguồn gốc. Năng lực kiểm nghiệm chất lượng thuốc chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng hoạt chất kiểm tra chất lượng mới đạt khoảng 50% số hoạt chất sử dụng trong phòng chữa bệnh tại Việt Nam.
Đối với thực phẩm chăm sóc sức khỏe, đại diện Cục an toàn thực phẩm cho biết, các đối tượng đã lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng trong việc tự công bố chất lượng sản phẩm và được lưu thông ra thị trường. Cơ quan chức năng chỉ hậu kiểm, tuy nhiên lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện công tác này còn mỏng và thiếu.
Tại hội nghị, ý kiến các địa phương đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 15 về an thực phẩm để giúp cho việc quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe được chặt chẽ, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành trong quản lý. Đặc biệt là việc quản lý các sàn thương mại điện tử và quảng cáo trên mạng xã hội đối với các mặt hàng là thực phẩm chức năng và thuốc.
Một năm có khoảng 23.800 thực phẩm tự công bố chất lương, trong đó có gần 4.800 thực phẩm bổ sung, 8800 thực phẩm bảo vệ sức khỏe và 100 thực phẩm dinh dưỡng y học, 300 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Với số lượng lớn như vậy, việc kiểm soát hậu kiểm là điều không dễ với các cơ quan chức năng.