Khó khăn trong sản xuất rau canh tác tự nhiên ở Triệu Phong

Những năm gần đây, sản xuất rau theo hướng canh tác tự nhiên, tạo ra chuỗi sản phẩm sạch, an toàn được nhiều địa phương ở huyện Triệu Phong quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ người dân triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của một số yếu tố như thời tiết, cơ sở vật chất… nên việc sản xuất rau an toàn của các địa phương gặp không ít khó khăn, chất lượng, sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

 Rất ít hộ dân ở Triệu Phong có điều kiện đầu tư hệ thống nhà màng kín để trồng rau an toàn - Ảnh: NT

Rất ít hộ dân ở Triệu Phong có điều kiện đầu tư hệ thống nhà màng kín để trồng rau an toàn - Ảnh: NT

Cuối năm 2015, Chương trình sản xuất rau sạch theo hướng canh tác tự nhiên thuộc Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch do tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tài trợ tại xã Triệu Tài được triển khai với 23 dân hộ tham gia. Tổng diện tích thực hiện chương trình gần 1,3 ha, được quy hoạch thành vùng tập trung ở thôn Thâm Triều và một số vườn của các hộ dân ở thôn An Trú. Các hộ tham gia chương trình được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho rau màu theo phương pháp hoàn toàn mới như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, cây xanh, phân động vật… để bón cho cây trồng. Tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng… mà thuốc trừ sâu bệnh được chế biến từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương như gừng, tỏi, ớt… Áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo quy định, đảm bảo các loại rau quả đưa ra thị trường có chất lượng sạch và an toàn. Trong số hộ tham gia chương trình, chỉ có một số gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng kín, có kết cấu vững chắc, chịu được sự tác động của thời tiết.

Tiêu biểu như mô hình của gia đình chị Hoàng Thị Yến ở thôn An Trú. Chị Yến cho biết, mặc dù sản xuất rau theo phương thức tự nhiên đa công, nhưng nhận thấy nhiều lợi ích mang lại từ mô hình nên chị tham gia. Vào chính vụ rau, thời tiết thuận lợi, việc áp dụng theo phương thức canh tác tự nhiên cũng khá hiệu quả. Các loại rau không nõn nà, xanh mướt như canh tác thông thường nhưng chất lượng đảm bảo, bảo quản được lâu hơn, đặc biệt là không độc hại cho người sản xuất và người sử dụng. Tuy nhiên, vào mùa khô hoặc mùa mưa, rau màu bị tác động bởi thời tiết, dẫn đến kém phát triển, nhiều sâu bệnh. Trước tình hình đó, gia đình chị đã đầu tư xây dựng nhà màng kín với hệ thống phun tưới tự động, phục vụ sản xuất. Nhờ thế, rau canh tác tự nhiên của gia đình chị vẫn giữ được ổn định về sản lượng và chất lượng quanh năm. Thu nhập từ trồng rau cũng khá hơn.

Theo thực tế sản xuất, vào thời điểm chính vụ rau, thời tiết thuận lợi, các loại rau quả phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc mưa lớn kéo dài, nếu khi cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế người trồng rau sẽ gặp nhiều khó khăn. Các loại rau, màu sinh trưởng kém, chất lượng và sản lượng thấp, quay vòng sản xuất chậm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Ông Hoàng Thanh Muồng ở thôn An Trú, xã Triệu Tài cho biết: “Quá trình tham gia chương trình, tôi thấy mô hình rau sạch này có nhiều lợi ích, nhất là giúp bảo vệ sức khỏe người canh tác, người tiêu dùng và môi trường. Nhưng hình thức canh tác này phụ thuộc thời tiết và rất đa công, nhất là phải bắt sâu, bơm vi sinh học, không được bơm hóa chất. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cơ sở vật chất như nhà màng, hệ thống tưới… khá cao nên nhiều hộ không có điều kiện. Để chủ động đối phó với thời tiết bất lợi, thực hiện mô hình có hiệu quả, bền vững, tôi mong muốn được hỗ trợ xây dựng nhà kín hoặc nhà lưới”.

Ở huyện Triệu Phong, chương trình sản xuất rau sạch theo hướng canh tác tự nhiên được triển khai tại 4 xã gồm Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Thượng và Triệu Trung với tổng diện tích khoảng 20.000 m2 . Trong đó, có 2 nhóm được quy hoạch tập trung với diện tích khoảng 10.000 m2 tại 2 xã Triệu Tài và Triệu Thượng. Hầu hết các mô hình cơ sở vật chất phục vụ sản xuất còn khá đơn giản, chủ yếu là các mái che làm bằng màng lưới nhằm giảm bớt tác động của mưa gió, nắng nóng, không có tác dụng ngăn ngừa các loại côn trùng, sâu bệnh. Giá trị nông sản vì thế chưa ổn định, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Một số hộ dân cho biết, do thời tiết nắng nóng, tác động lớn đến sản xuất các loại rau nên vào mùa hè, nhiều mô hình đã chuyển từ trồng rau sang trồng các loại cây có thích ứng tốt như đậu xanh, ném, ớt… để cải thiện thu nhập.

Chủ tịch UBND xã Triệu Tài Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Đối với xã Triệu Tài, ngoài việc phát triển sản xuất cánh đồng lớn, địa phương có nguồn đất dồi dào, màu mỡ để phát triển trồng rau, màu. Được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch, những năm qua chúng tôi đã triển khai một số mô hình trồng rau canh tác tự nhiên. Bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả, đặc biệt tạo được nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên qua tìm hiểu thấy rằng, mô hình sản xuất rau canh tác tự nhiên này còn gặp nhiều khó khăn. Các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất còn thiếu thốn, phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên, thời tiết. Bên cạnh đó, quy trình để sản xuất rau canh tác tự nhiên rất đa công để sản phẩm thực sự sạch, an toàn. Vấn đề chứng nhận chất lượng sản phẩm còn khó khăn, dẫn đến thị trường chưa ổn định, giá trị kinh tế của sản phẩm chưa cao. Trong thời gian tới, chúng tôi mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật cho các mô hình sản xuất rau canh tác tự nhiên cũng như hỗ trợ quảng bá thương hiệu rau sạch để mở rộng thị trường, ổn định thu nhập cho người dân”.

Để mô hình sản xuất rau canh tác tự nhiên của các xã trong vùng dự án huyện Triệu Phong duy trì bền vững và nhân rộng thuận lợi, các cấp, các ngành, chương trình, dự án cần tiếp tục hỗ trợ người dân, nhất là về cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, xây dựng chứng nhận sản phẩm, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, giúp người dân yên tâm sản xuất; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, đảm bảo hiệu quả trên cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151267