Khó khăn trong tổ chức phiên tòa trực tuyến

Từ ngày 1/1/2022, TAND hai cấp trong tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến theo quy định. Hiện một số đơn vị còn gặp khó do cơ sở vật chất chưa đồng bộ.

Ngày 14/3/2022, TAND Tối cao ban hành Quyết định số 50/QĐ-TANDTC hướng dẫn trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến cho phòng xử án của tòa án các cấp. Theo đó, các trang thiết bị (một máy chiếu, ba màn hình tivi, bốn camera, hệ thống âm thanh, ánh sáng…) phải đồng bộ, an toàn, bảo mật thông tin; tương thích, kết nối và hoạt động tốt với nền tảng xét xử trực tuyến do TAND Tối cao xây dựng.

Quang cảnh một phiên tòa xét xử trực tuyến do TAND TP Bắc Giang phối hợp tổ chức. Ảnh: Chí Dũng.

Quang cảnh một phiên tòa xét xử trực tuyến do TAND TP Bắc Giang phối hợp tổ chức. Ảnh: Chí Dũng.

Phòng xét xử trực tuyến của TAND tỉnh hiện có một máy chiếu, ba màn hình tivi, hai camera, hệ thống âm thanh, ánh sáng bảo đảm… Tổng kinh phí xây dựng, thiết kế hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, một số trang thiết bị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định. Ở TAND cấp huyện, TP chưa có các phòng xét xử trực tuyến, vì thế, đơn vị nào lựa chọn được vụ việc có thể xét xử trực tuyến phải mượn cơ sở vật chất của TAND tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, TAND TP Bắc Giang xét xử 6 vụ (vì thuận lợi là gần TAND tỉnh). Cuối tháng 4, TAND tỉnh sẽ tổ chức xét xử trực tuyến 8 vụ việc, TAND huyện Yên Dũng đăng ký 1 vụ. Các đơn vị khác chưa đăng ký do chưa có vụ án phù hợp, cách xa về địa lý.

Xét xử trực tuyến là nội dung mới nên khó khăn về cơ sở vật chất là điều không tránh khỏi. Theo Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Lộc, đơn vị đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel Bắc Giang để lập phương án, đề xuất kinh phí xây dựng 11 phòng xét xử trực tuyến (một phòng của TAND tỉnh và 10 phòng cho TAND các huyện, TP). Dự kiến kinh phí sẽ cao gấp 4 lần so với kinh phí TAND tỉnh xây dựng phòng xét xử hiện tại.

Về phía Trại Tạm giam, Công an tỉnh (nơi có điểm cầu dành cho bị cáo), Thượng tá Thân Văn Tuấn, Giám thị cho biết, Trại đã sửa chữa hội trường cũ để làm phòng xét xử trực tuyến. Khó khăn ở chỗ, nhiều phạm nhân không đồng ý xét xử theo hình thức mới vì muốn gặp người nhà; lo ngại không theo dõi, bám sát các tài liệu, chứng cứ xoay quanh vụ án.

“Chúng tôi đã tích cực phối hợp với TAND hai cấp để tuyên truyền cho phạm nhân hiểu việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu trong quá trình cải cách tư pháp, các bị cáo không phải di chuyển đến cơ quan tòa án sẽ giảm thiểu nguy cơ, rủi ro cho cá nhân bị cáo và Trại Tạm giam như tai nạn giao thông, thiên tai...”, Thượng tá Thân Văn Tuấn cho biết thêm.

Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/381939/kho-khan-trong-to-chuc-phien-toa-truc-tuyen.html