Khó khăn trong việc tái đàn lợn sau dịch bệnh

Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi phải tiêu hủy gần 19.000 con lợn, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hiện, nhiều địa phương đã khống chế được dịch và người dân muốn tái đàn lợn. Tuy nhiên, nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao và vốn đầu tư thiếu khiến việc tái đàn gặp khó khăn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn phun tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi tại xã Cò Nòi.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mai Sơn phun tiêu độc khử trùng cơ sở chăn nuôi tại xã Cò Nòi.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, tiểu khu 39, xã Cò Nòi (Mai Sơn) có 130 con lợn, tổng trọng lượng khoảng 14 tấn phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Sau nửa năm để trống chuồng, đến nay anh Tùng chỉ mua lợn thịt về vỗ béo để bán. Anh Tùng chia sẻ: Sau khi tiêu hủy đàn lợn, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ gần 190 triệu đồng và chờ đến khi hết dịch, gia đình đã thêm tiền mua 50 con lợn (trọng lượng từ 60-70 kg/con) của Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy về vỗ béo để bán. Hiện tại, tôi rất muốn tái đàn, nhưng còn do dự bởi đầu tư lớn, khu vực chuồng nuôi trước đó đã có dịch, con giống đắt và khan hiếm, ngoài ra còn phải đầu tư thức ăn, nên chưa dám nuôi nhiều.

Theo tìm hiểu, nhiều hộ nuôi lợn vẫn lo ngại trong việc tái đàn do giá lợn giống rất cao. Qua khảo sát trên thị trường hiện nay, lợn giống ngoại siêu nạc có giá từ 2,5-3 triệu đồng/con 6 kg; lợn lai có giá khoảng 2,7 triệu đồng/con, còn các loại lợn địa phương có giá từ 1,5-2 triệu đồng/con, đắt gấp 2-3 lần so với trước. Không chỉ đắt đỏ, con giống cũng khá khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn tâm lý lo sợ dịch tả lợn châu Phi tái phát, chưa dám đầu tư tái đàn. Hiện, chỉ những trang trại lớn làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh vẫn duy trì việc cung cấp lợn thịt và lợn giống ra thị trường với thu nhập cao. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát - BLLT cho biết: Hiện, Công ty có 1.400 con lợn nái, 6.000 con lợn thịt, mỗi tháng xuất bán ra thị trường 150 tấn lợn thịt với giá trung bình 70.000 đồng/kg. Hiện tại, ngoài lợn thịt, trang trại của chúng tôi đang bán 10 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, 3 triệu đồng/con lợn siêu nạc trọng lượng 6 kg. Trung bình mỗi tháng, đàn lợn nái của trang trại đẻ được 2.500 con giống. Song, cũng chỉ có khoảng 1.000 con giống cung cấp ra thị trường, còn lại chúng tôi giữ lại phục vụ nhu cầu nuôi lợn thương phẩm của trang trại.

Để khôi phục đàn lợn cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, ngày 18/3/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1965/BNN-TY về việc tổ chức hướng dẫn tái đàn, tăng đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học. Theo đó, tỉnh ta cũng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 69.765 con lợn nái có khả năng sinh sản trên 781.300 con lợn giống/năm. Có 3 cơ sở chính chuyên sản xuất và cung ứng giống ra địa bàn là Công TNHH SAFE PORK Việt Nam - Chi nhánh Sơn La, Công ty TNHH Chiềng Hặc Yên Châu, Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLT. Tuy nhiên, các trang trại sản xuất con giống lớn chủ yếu để phục vụ nhu cầu tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi của đơn vị.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản, cho biết: Hiện nay, dịch bệnh đã có xu hướng giảm, nhưng việc tái đàn lợn trên địa bàn vẫn khó khăn. Nguyên nhân do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh, vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát. Mặt khác, chăn nuôi ở tỉnh chủ yếu quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, khó kiểm soát; hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tình trạng lợn giống khan hiếm cũng ảnh hưởng lớn đến việc tái đàn.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đang tập trung tuyên truyền người dân thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Khuyến cáo các doanh nghiệp, trang trại và các hộ chăn nuôi lợn thực hiện việc tái đàn lợn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật lưu thông ra vào địa bàn; giám sát chặt chẽ, phát hiện bệnh dịch sớm để khống chế kịp thời. Khi tái đàn, các hộ chăn nuôi cần tuân thủ đầy đủ khâu vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh phát sinh; lựa chọn con giống ở những cơ sở uy tín, đảm bảo an toàn và có nguồn gốc rõ ràng.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kho-khan-trong-viec-tai-dan-lon-sau-dich-benh-35247