Khó khăn trong việc thu học phí ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm học 2021 - 2022 đã kết thúc, tuy nhiên, ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều học sinh vẫn chưa nộp học phí.

Nhiều trường ở vùng cao Mường Khương khó khăn trong việc thu học phí.

Nhiều trường ở vùng cao Mường Khương khó khăn trong việc thu học phí.

Những ngày cuối năm học 2021 - 2022, cùng với việc bận rộn hoàn thiện hồ sơ tổng kết năm học, cô giáo Nguyễn Thùy Trinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Bản Cầm (Bảo Thắng) còn thêm nỗi lo khác, đó là làm thế nào thu đủ học phí mà nhiều học sinh chưa nộp. Cô giáo Trinh cho hay, lớp 9A có 25 học sinh, đến cuối năm học mới có 10 học sinh nộp học phí. Năm học trước, khi xã Bản Cầm chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì vẫn thuộc xã vùng 3, đa số học sinh được miễn giảm học phí, mỗi tháng chỉ phải nộp 4.500 đồng. Còn năm nay, trừ học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo, những học sinh khác phải nộp học phí với mức 60.000 đồng/tháng. Nhiều hộ khó khăn, chưa có tiền đóng học phí cả năm (540.000 đồng) cho con.

Không chỉ lớp 9A, nhiều lớp khác cũng trong tình trạng tương tự. Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Bản Cầm cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có 9 lớp với 296 học sinh, trong đó 241 học sinh dân tộc thiểu số. Tính đến trung tuần tháng 5, trường mới có 30 học sinh nộp học phí. So với tổng số tiền học phí nhà trường phải thu nộp vào ngân sách là 89 triệu đồng, thì khoản đã thu rất ít.

Cũng như Trường THCS Bản Cầm, hiện nhiều trường ở các xã vùng cao trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn (vùng 3) mới đạt chuẩn nông thôn mới, còn không ít học sinh chưa nộp học phí. Thầy giáo Phạm Văn Minh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Dền Sáng (Bát Xát) thông tin: Năm học 2021 - 2022 đã kết thúc, trường vẫn còn khoảng 120 học sinh chưa đóng học phí, chiếm 2/3 tổng số học sinh phải nộp học phí theo quy định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh không đi làm thuê được, cuối năm học cũng chưa đến vụ thu hoạch ngô, lúa nên không có tiền nộp học phí cho con. Nhiều hộ mặc dù trong danh sách thoát nghèo, nhưng thực tế còn thiếu thốn, việc phải nộp nhiều khoản tiền cho con đi học trở thành gánh nặng với những gia đình đông con.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng học sinh vùng cao, đặc biệt là ở những xã vùng 3 mới đạt chuẩn nông thôn mới chưa nộp học phí diễn ra phổ biến. Bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng cho biết: Đến nay, các xã, thôn mới ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, cấp mầm non còn gần 1.700 học sinh, cấp THCS có hơn 900 học sinh chưa nộp học phí, chiếm khoảng 21% tổng số học sinh phải đóng học phí.

Tại các huyện như Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng việc thu học phí của các trường cũng gặp không ít trở ngại. Ngay như thành phố Lào Cai, đại diện một số trường ở các xã ven đô như Cốc San, Thống Nhất cũng cho biết, đến nay nhiều học sinh vẫn chưa nộp học phí.

Học sinh ở các xã vùng cao đã đạt chuẩn nông thôn mới mong được kéo dài chính sách miễn, giảm học phí.

Việc có nhiều học sinh chưa nộp học phí ảnh hưởng đến hoạt động của các trường. Thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THCS Bản Cầm cho biết thêm: Đầu năm, trường được UBND huyện cấp hơn 3,3 tỷ đồng từ ngân sách cho chi thường xuyên và không thường xuyên, nhưng trên thực tế, khoản học phí của học sinh đã tính vào ngân sách được cấp và nhà trường phải thu từ học sinh.

Điều đó có nghĩa nếu trường không thu được học phí sẽ rất khó khăn trong việc chi trả lương cho giáo viên và mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục. Những năm học trước, mặc dù đa số học sinh được miễn, giảm học phí, trường phải thu rất ít, nhưng vẫn phải xin cấp bổ sung ngân sách mới đủ chi cho các hoạt động.

Theo đại diện Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Dền Sáng (Bát Xát), việc nhiều học sinh không nộp học phí ảnh hưởng đến ngân sách của trường, vì khoản tiền này được tính vào ngân sách để trả lương cho giáo viên và mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất nhỏ của trường. Đối với một số học sinh vùng cao chưa nộp học phí, nếu thầy, cô giáo nhắc nhiều quá có thể dẫn tới tình trạng học sinh ngại và nghỉ học, bỏ học giữa chừng. Vì thế, nhà trường chỉ có biện pháp là làm tốt việc tuyên truyền, phối hợp với UBND xã vận động phụ huynh nộp học phí cho con. Nhà trường và gia đình học sinh mong tỉnh tiếp tục hỗ trợ, miễn, giảm học phí cho học sinh vùng cao còn khó khăn như trước khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực tế cho thấy trong những năm qua, nhiều gia đình ở những xã, thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh đã quen với việc không phải nộp học phí cho con hoặc phải nộp rất ít do đã được miễn, giảm học phí. Năm học 2021 - 2022, khi chính sách hỗ trợ những xã vùng 3 đạt chuẩn nông thôn mới thay đổi, học sinh dân tộc thiểu số ở những xã này không còn được miễn, giảm học phí nữa (trừ hộ nghèo, cận nghèo) thì học sinh vùng cao cũng phải nộp học phí như ở vùng thấp. Trong khi đó, bên cạnh nhiều gia đình vừa thoát nghèo, kinh tế khó khăn, đông con đi học phải chật vật lo tiền nộp học phí cho con, vẫn còn những hộ có tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước tiếp tục hỗ trợ.

Đại diện các trường và người dân vùng cao mong Nhà nước kéo dài thêm thời gian miễn, giảm học phí cho học sinh dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn mới đạt chuẩn nông thôn mới. Về lâu dài, ngành giáo dục cũng như cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần thêm nhiều giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện nghĩa vụ nộp học phí cho con, góp phần đảm bảo tỷ lệ chuyên cần.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356839-kho-khan-trong-viec-thu-hoc-phi-o-cac-xa-dat-chuan-nong-thon-moi