Khó khăn trong xử lí hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam

Những năm qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại được tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là công tác chống hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ trên thị trường nội địa. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại nhiều mặt hàng giả mạo xuất xứ từ Việt Nam, hàng nhập lậu nhưng gắn mác 'made in Vietnam' đánh lừa người tiêu dùng. Hành vi gian lận thương mại này có xu hướng ngày càng tăng khiến thị trường hàng hóa trở nên thiếu minh bạch và bất bình đẳng.

 Lực lượng Quản lí thị trường tăng cường các đợt kiểm tra xuất xứ hàng hóa được bày bán tại các chợ

Lực lượng Quản lí thị trường tăng cường các đợt kiểm tra xuất xứ hàng hóa được bày bán tại các chợ

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, từ năm 2018 đến nay, các ngành, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lí 51 vụ vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ, thu giữ 419.780 sản phẩm (trong đó có 139.926 sản phẩm trên nhãn ghi “Made in Vietnam”), xử phạt vi phạm hành chính hơn 349 triệu đồng, hàng hóa tịch thu do vi phạm với trị giá hơn 1,1 tỉ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là áo quần, giày dép, tất (vớ), mĩ phẩm, mũ (nón) các loại. Đối với các hàng hóa như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y từ năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT có kiểm tra nhưng chưa phát hiện là có vi phạm giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Trên thực tế, do chưa có quy định cụ thể hướng dẫn việc gắn nhãn hàng Việt Nam sản xuất, quy định về chế độ hóa đơn còn nhiều bất cập nên lực lượng chức năng không thể xác minh nguồn gốc hàng hóa, nhất là đối với những lô hàng có hóa đơn bán hàng. Về phía các doanh nghiệp sản xuất, chủ sở hữu nhãn hàng hóa, người tiêu dùng chưa chủ động hợp tác, cung cấp thông tin hàng hóa nên công tác chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ còn gặp nhiều khó khăn. Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng. Nếu cơ quan thực thi kiểm tra không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là khó có cơ sở. Thậm chí kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được.

Có một thực tế là lực lượng quản lí thị trường chỉ có thể kiểm tra, bắt giữ hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ giả mạo hàng Việt Nam. Còn hàng hóa sản xuất trong nước, gắn nhãn “made in Vietnam” thì chưa có căn cứ xác minh xuất xứ đó có đúng hay không. Cũng chính vì việc chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng. Ngoài ra, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài vào Việt Nam không có cơ quan nước ngoài đại diện tại Việt Nam, không có mẫu vật đối chứng giữa hàng thật và giả nên rất khó khăn trong công tác phát hiện và xử lí. Mặt khác, chế tài xử lí còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lí vi phạm. Đơn cử như tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP có quy định về các loại hàng giả trong đó có bao gồm hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hành vi đối với tội sản xuất, kinh doanh hàng giả (Điều 192 của Bộ Luật hình sự) và tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ Luật hình sự) lại khác nhau về trị giá tang vật. Do đó rất khó cho cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm để chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Từ ngày 1/6/2017, Nghị định 43/2017/ NĐ-CP của Chính phủ quy định nội dung, cách ghi và quản lí nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc kí kết. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lí và xây dựng thương hiệu Việt Nam.

Để bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các bộ ngành Trung ương cần sớm tham mưu ban hành quy định về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng hóa tiêu dùng, thời trang… giả mạo xuất xứ, nhãn mác trên địa bàn để có biện pháp quản lí theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các hành vi nhập lậu, phân phối, lưu thông trong thị trường nội địa các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Vietnam” để gian lận, đánh lừa người tiêu dùng trong nước. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân không bao che, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và tham gia tố giác các hành vi vi phạm.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=141970