Khó khăn trong xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
Thời gian vừa qua, để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tại các địa phương đã được trang bị bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, do việc xử lý gặp khó khăn nên vỏ thuốc bảo vệ thực vật tồn lại rất lớn, nhiều bể chứa đã quá tải.
Xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình có gần 500 ha diện tích đất nông nghiệp. Theo ông Lành Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn, hằng năm người dân trong xã sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV và có khoảng 350 kg vỏ bao bì thuốc BVTV cần tiêu hủy. Để bảo vệ môi trường, xã trang bị 100 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, các bể chứa này chưa được xử lý dẫn đến tình trạng quá tải, khối lượng vỏ bao bì thuốc BVTV tồn lưu ước tính gần 400kg.
Tình trạng các bể chứa vỏ thuốc BVTV nhiều năm chưa được xử lý ở xã Tú Đoạn cũng là tình trạng chung của nhiều xã trên địa bàn huyện Lộc Bình. Ông Bùi Xuân Mai, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 425 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV. Do trên địa bàn huyện không có kho lưu tồn vỏ bao bì thuốc BVTV, cũng không có đơn vị xử lý dẫn đến tình trạng các bể chứa của một số xã bị quá tải, ước tính khối lượng tồn dư của cả huyện là trên 1,6 tấn. Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp số lượng vỏ bao bì thuốc BVTV để đề xuất với UBND huyện phân bổ kinh phí xử lý.
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay diện tích gieo trồng hằng năm của tỉnh ước 94.000 ha, diện tích cây ăn quả gần 17.000 ha. Hằng năm, người dân sử dụng khoảng 43.000 kg thuốc BVTV để bảo vệ mùa màng, do vậy khối lượng vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng rất lớn.
Những năm qua, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, tránh tình trạng vứt bừa bãi ra môi trường. Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức khoảng 20 lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về việc quản lý, thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.970 bể chứa vỏ thuốc BVTV.
Từ năm 2021 đến nay, hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, trong năm 2022 - 2023, toàn tỉnh thu gom được 10.585kg vỏ thuốc BVTV. Tuy nhiên, số lượng vỏ bao bì thuốc BVTV được xử lý còn thấp so với thực tế.
Ông Trần Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo hướng dẫn của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Chúng tôi đã có nhiều văn bản hướng dẫn các huyện, tuy nhiên, phần lớn các huyện chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện. Thêm vào đó, do trong tỉnh chưa có khu vực lưu chứa trung chuyển, tập kết, chưa có đơn vị xử lý loại rác này, vì vậy, dẫn đến tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV đã thu gom nhưng chưa được xử lý.
Ông Hoàng Minh Tùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Sơn chia sẻ: Hiện nay, toàn huyện có 548 bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, theo quy định mỗi năm các địa phương phải thực hiện thu gom ít nhất một lần. Tuy nhiên 3 năm nay, huyện chưa thực hiện được do số lượng vỏ bao bì thuốc BVTV theo đợt rất ít, các bể chứa đặt dàn trải nên rất khó thuê đơn vị thu gom, vận chuyển, tiêu hủy hoặc thuê được nhưng chí phí rất lớn.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp số lượng để hướng dẫn thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên về lâu dài, các ngành liên quan, các địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc cân đối nguồn kinh phí để xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV theo từng năm, cùng đó xây dựng các kho lưu chứa vỏ bao bì thuốc BVTV từ các bể chứa để vận chuyển đi xử lý. Có như vậy, mới bảo đảm giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường từ vỏ bao bì thuốc BVTV.