Từ năm 2019, trên địa bàn xã Thượng Hà có một số hộ dân người Dao, người Mông ở thôn 6 Vài Siêu nuôi cá lồng trên sông Chảy với tổng số 180 lồng cá.
Nuôi cá lồng ở xã Thượng Hà là mô hình mới, có triển vọng giúp bà con giảm nghèo nên hầu hết được tỉnh hộ trợ kinh phí làm lồng (5 triệu đồng/1 lồng cá), hỗ trợ cá giống và cám nuôi cá.
Thời gian đầu, ở thôn xa xôi, khó khăn nhất xã, khi được tỉnh hỗ trợ, việc nuôi cá lồng trên sông Chảy diễn ra thuận lợi, đem lại hiệu quả kinh tế. Mỗi năm 1 lồng cá (cá chép, cá rô, cá trắm) thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng.
Hai năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã bỏ nuôi cá lồng trên sông Chảy, tập trung chủ yếu tại thôn 6 Vài Siêu, xã Thượng Hà.
Hàng chục lồng cá bị bỏ không cho cỏ mọc, hệ thống phao và lưới đã và đang hư hỏng nhiều. Theo thống kê của UBND xã Thượng Hà, có trên 50% số hộ dân đã bỏ nuôi cá lồng.
Hiện nay chỉ còn một số hộ dân duy trì nuôi cá lồng với số lượng nhỏ để phục vụ gia đình hoặc cho hộ dân khác mượn lồng nuôi cá. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá lồng không cao.
Anh Bàn Văn Thêm cho biết: Với giá cám tăng cao như hiện nay, trừ mọi chi phí, việc nuôi cá lồng trên sông Chảy không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Chính quyền địa phương và các hộ nuôi cá lồng trên sông Chảy ở xã Thượng Hà cho rằng nguồn cá thương phẩm khó tiêu thụ vì tuyến đường vào thôn 6 Vài Siêu quá khó đi, thương lái không vào thu mua, hoặc khi thu mua thì ép giá khiến giá bán cá rất thấp.
Việc nhiều hộ dân xã Thượng Hà bỏ nuôi cá lồng như hiện nay không chỉ gây lãng phí nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh và Nhà nước, mà còn ảnh hưởng tới công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.