Khó mở lại vận tải khách nếu quy định 'vênh nhau'

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không), nhằm bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, có hiệu lực từ đầu tháng 10. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải lo ngại nhiều địa phương vẫn có sự 'vênh nhau' về quy định đi lại giữa các nơi.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài.

Mỗi địa phương một quy định

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách (lần 2), nêu ra 4 cấp đánh giá nguy cơ và mức độ áp dụng. Trong đó, cấp 1 nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng màu xanh; cấp 2 trung bình, tương ứng màu vàng; cấp 3 nguy cơ cao, tương ứng màu cam; cấp 4 nguy cơ rất cao, tương ứng màu đỏ.

Tại các vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4), phải dừng hoạt động vận tải khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp xe khách có hành trình bắt buộc đi qua vùng đỏ thì không được dừng, đỗ. Tại vùng 3, các phương tiện của 5 phương thức được hoạt động tối đa 50% công suất; vùng xanh và vùng vàng, phương tiện hoạt động bình thường.

Hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế; xét nghiệm có kết quả âm tính trong 72 giờ; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần; tiêm đủ liều hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng. Tổ bay, lái tàu xe, nhân viên phục vụ trên phương tiện cũng phải tuân thủ về “5K” và xét nghiệm; tại vùng cấp 2 và cấp 3 phải xét nghiệm hằng tuần (7 ngày/lần); vùng cấp 4 phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng; có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ.

Với đường bộ, vận tải khách cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên, Sở GTVT tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định. Vận tải khách cố định liên tỉnh, Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến liên tỉnh. Căn cứ tình hình, Sở GTVT địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng tần suất khai thác phù hợp.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi văn bản lấy ý kiến một số địa phương để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động, đề xuất mở lại các đường bay nội địa, tổng số dự kiến 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Đơn vị vận tải kinh doanh vận tải bằng ô-tô, lái xe vận chuyển hành khách đi, đến cảng hàng không, ga đường sắt theo nguyên tắc “một cung đường hai điểm đến”; không được phép dừng đỗ trên hành trình (trừ trường hợp khẩn cấp).

Theo kế hoạch, từ ngày 5/10, ngành hàng không khai thác 91 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày trên đường bay giữa Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Phú Quốc, Rạch Giá), Nghệ An, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Quảng Nam, Cần Thơ, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Trong đó, đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tần suất khai thác nhiều nhất với 28 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Các đường bay trên sẽ do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines khai thác.

Các quy định cần đồng nhất, không “lệch pha”

Đến chiều 5/10, Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được phản hồi từ 10 địa phương về đề xuất góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa giai đoạn 1, phần lớn đều thống nhất kế hoạch khai thác các đường bay nội địa.

Theo đó, các tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa hoàn toàn thống nhất, tỉnh Nghệ An thống nhất các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với tần suất 2 chuyến/tuần. TP Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất tần suất như kế hoạch, riêng đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, thành phố đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, TP Hà Nội lại đề nghị Bộ GTVT dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay Nội Bài, dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội.

Đối với người dân hiện đang ở tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tạm thời chưa di chuyển đến địa phương khác theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị làm rõ phương án bố trí phương tiện đưa đón hành khách đi/đến sân bay Nội Bài với các địa phương có khách đi và đến, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của các địa phương và để hành khách đi sân bay quốc tế Nội Bài được các địa phương tiếp nhận,...

Theo ý kiến của một số Sở GTVT địa phương, trường hợp cho hoạt động trở lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh, địa phương phải thống nhất được với nhau, nhưng thống nhất hay không lại do UBND cấp tỉnh quyết định, nên đòi hỏi rất nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Anh Bằng nhận xét, vận tải hàng hóa trong thời gian dài vừa qua, dù xe đã được cấp mã QR (luồng xanh), nhưng Chính phủ và Bộ GTVT rất nhiều lần phải “tuýt còi” yêu cầu địa phương không được “đẻ ra” các quy định riêng gây khó khăn cho vận tải hàng hóa, đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn khăng khăng giữ chặt quy định riêng để ngăn chặn lây lan dịch. Trường hợp không có giấy xét nghiệm trên phải cách ly tại nhà 3 ngày, thậm chí lên tới 7 hoặc 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR, tự trả phí.

Với nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh, tỉnh này cho đi, nhưng tỉnh kia cấm không cho đến, không tiếp nhận, hoặc không cho đi qua, liệu Bộ GTVT có can thiệp được không? chế tài nào bảo đảm vận tải thông suốt,.. là các vấn đề băn khoăn của các doanh nghiệp nêu ra chưa có câu trả lời.

Hầu hết các doanh nghiệp vận tải đường bộ không hào hứng với kế hoạch khôi phục vận tải khách do lo ngại các địa phương xây dựng “hàng rào”, khác biệt hẳn dự thảo kế hoạch nêu ra nên khi áp dụng chắc chắn doanh nghiệp “lãnh đủ”.

Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, Bộ Y tế đã có văn bản đóng góp ý kiến về dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương nới lỏng biện pháp chống dịch. Một số vấn đề cần ban hành quy định khung, song có vấn đề lại cần chi tiết, chặt chẽ, nhất là liên quan đến y tế. Đồng thời, cần làm rõ từng vấn đề liên quan đơn vị nào.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát trong quá trình vận hành bởi vận tải là yêu cầu thiết yếu, cần phải đi trước một bước. Quá trình nới lỏng và bình thường trở lại sẽ cần một thời gian quá độ, chuyển tiếp, vì thế những giải pháp để hoạt động vận tải ổn định, thông suốt không mang tính chất cố định mà sẽ luôn có biến động một cách linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp thực tiễn.

Một số chuyên gia kinh tế bày tỏ ủng hộ việc sớm mở lại các đường bay nội địa và thông thương vận tải trên cả nước để nhanh chóng đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường mới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/kho-mo-lai-van-tai-khach-neu-quy-dinh-venh-nhau-668506/