Khó nhân rộng cánh đồng lớn

ĐBP - Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 2203/KH-UBND về việc thực hiện cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 và định hướng đến năm 2026. Ðến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện đã đạt một số kết quả khả quan, nhưng thực trạng ruộng đất manh mún, nhất ở các huyện vùng cao vẫn đang là trở ngại lớn nhất khi muốn nhân rộng mô hình; cùng với đó các chính sách hỗ trợ người dân chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Một trong những khó khăn xây dựng cánh đồng lớn là do diện tích manh mún, nhỏ lẻ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông thăm mô hình lúa xã Luân Giói (huyện Ðiện Biên Ðông). Ảnh: Văn Tâm

Tiến độ chậm

Kế hoạch đến năm 2026, toàn tỉnh có 2.428ha cánh đồng lớn. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2021 có 2.375ha, với 9.153 hộ nông dân tham gia và giai đoạn 2022 - 2026 có 2.428ha với 9.582 hộ nông dân tham gia. Ðịa bàn trọng tâm sẽ là các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa và TP. Ðiện Biên Phủ. Mục tiêu nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, cùng chủng loại thuận lợi cho việc sản xuất với tiêu thụ. Giai đoạn 2017 - 2021, chủ yếu tập trung khuyến khích liên kết sản xuất cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng chính như: 568ha lúa tại huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa; 920ha ngô tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa; 100ha rau màu tại các huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ…

Việc xây dựng cánh đồng lớn thời gian qua bước đầu đã đem lại hiệu quả, tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa tập trung; giảm chi phí sản xuất từ 3,7 - 4,6 triệu đồng/ha; thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn từ 7 triệu đồng - 10 triệu đồng/ha… Tuy nhiên, việc hợp tác, liên kết sản xuất cánh đồng lớn vẫn còn chậm, một số địa bàn còn mang tính hình thức, chưa thu hút người dân tham gia; đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Ðến nay trên địa bàn tỉnh mới có 2 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt liên quan đến sản xuất lúa với diện tích 52ha. Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2020 toàn tỉnh có 465ha cánh đồng lớn về cây lúa (huyện Ðiện Biên 150ha; Mường Ảng 90ha; các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa và TP. Ðiện Biên Phủ mỗi địa phương 75ha).

Tương tự cây lúa, theo kế hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh có 920ha ngô sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn (huyện Tuần Giáo 570ha; Ðiện Biên 250ha và Tủa Chùa 100ha); 465ha cây cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng; 30ha cây chè trên địa bàn huyện Tủa Chùa; 100ha cây rau màu (huyện Ðiện Biên 60ha; Tuần Giáo 15ha và TP. Ðiện Biên Phủ 25ha)… Nhưng hiện nay tiến độ thực hiện chậm. Ðiển hình như huyện Ðiện Biên theo kế hoạch đến năm 2020 có 60ha cánh đồng lớn về cây rau màu. Mặc dù có điều kiện thuận lợi về điều kiện thự nhiên, với tổng diện tích trồng rau màu lên đến hơn 500ha, tuy nhiên do phân bố nhỏ lẻ, người dân canh tác theo phương thức truyền thống nên đến nay chưa thực hiện được kế hoạch.

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Ðể thúc đẩy người dân, doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân như: Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định 25/2015/QÐ-UBND ngày 26/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh… song kết quả chưa đạt như mong muốn.

Một trong những nguyên nhân là do nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hoặc khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là nguồn vốn. Ví dụ theo Quyết định 25, các doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 30% kinh phí quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ðối với các hộ dân được hỗ trợ 1 lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên. Còn đối với các tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ chung cho các thành viên… Tuy nhiên, việc hỗ trợ lại thực hiện sau đầu tư (sau khi thanh lý hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa các bên theo từng vụ sản xuất) trong khi người dân cần vốn để thực hiện. Cùng với đó, để được hỗ trợ hộ nông dân cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được UBND cấp xã xác nhận. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa tổ chức được hệ thống thu mua nên vẫn phụ thuộc vào thương lái. Người dân cũng không có vốn tích lũy để tái đầu tư hay mở rộng sản xuất. Còn việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng là điều không dễ với cả nông dân và doanh nghiệp. Về phía các địa phương cũng thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cánh đồng lớn...

Ðể đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra, cùng với tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả, các cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng cần đánh giá, xem xét lại các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp đã thực sự mang lại hiệu quả hay chưa, để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Tạo điều kiện thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xay xát, chế biến và tiêu thụ nông sản đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ phát triển cánh đồng lớn.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/183557/kho-nhan-rong-canh-dong-lon