Khổ như... chủ nợ!

Nghĩ có tiền cho vay là sướng nhưng mà nhiều chủ nợ phải năn nỉ con nợ để được trả tiền, thậm chí nhiều người còn vướng vào lao lý chỉ vì đòi nợ sai cách.

Bạn tôi – thâm niên làm chủ nợ cũng được hơn chục năm rồi kết luận: “Ai bảo sướng như chủ nợ đâu, không biết các chủ nợ khác thì sao chứ mình làm chủ nợ nhưng khổ quá”.

Ảnh than ai cũng nghĩ có tiền cho vay nợ là sướng chứ sao lại khổ, nhưng thật ra nhiều chủ nợ khổ thật. Thời buổi bây giờ tréo ngoe, con nợ mới là người nắm đường cán, chủ nợ phải nhìn mặt con nợ mà sống.

 Một bị cáo ra tòa vì đi đòi nợ sai cách. Ảnh: Nhẫn Nam

Một bị cáo ra tòa vì đi đòi nợ sai cách. Ảnh: Nhẫn Nam

Tìm hiểu ra mới biết, không chỉ anh bạn tôi mà rất nhiều người khác phải chịu cảnh khép nép trước con nợ, mong lấy lại tiền, từ chủ nợ thành “mắc nợ”.

Lý do là bên cạnh nhiều người đi vay văn minh thì có rất nhiều con nợ chây ì, từ họ ghi trong giấy khai sinh chuyển hết thành... “họ Hứa”. Hứa mấy ngày nữa trả rồi tháng sau trả rồi đến năm sau, rồi nhiều năm sau; nhiều người quay ra trách ngược sao có mấy đồng mà đòi hoài. Vậy mới có chuyện chủ nợ thì ăn Tết với bánh chưng chay còn con nợ thì bánh chưng nhân thịt, vi vu du xuân khắp nơi.

Thậm chí có con nợ dọa làm liều nếu cứ bị đòi nợ, hay sẵn sàng tỏ thái độ thách thức, tuyên bố xanh rờn “em có nói em không nợ đâu – chỉ là em chưa trả thôi, anh có báo công an cũng không làm gì được em đâu”.

Tuy anti với những thành phần này trong xã hội này nhưng tôi cũng phải công nhận đây là con nợ am hiểu luật, bởi hai bên tự nguyện vay – mượn nên việc dân sự cốt ở đôi bên. Chỉ khi nào có yếu tố tội phạm thì công an mới có thể vào cuộc.

Chính điều này cũng khiến cho nhiều chủ nợ lâm vào cảnh không biết làm cách nào để thu hồi nợ. Nhẹ nhàng thì không ăn thua, làm nặng thì nguy cơ dính dáng đến pháp luật. Không thiếu những vụ án chủ nợ đi đòi nợ trở thành bị can, bị cáo vì trong lúc nóng giận đã có những hành vi vượt ngưỡng pháp luật cho phép như bắt giữ người trái phép, cưỡng đoạt tài sản...

Đọc trên báo về những vụ án như vậy, anh bạn tôi cảm thán: "đã đòi được gì đâu mà dính tội!'. Biết nói sao giờ, với những tội phạm có cấu thành hình thức như tội cưỡng đoạt tài sản thì hậu quả của hành vi không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Thế nên làm gì thì làm, nên tỉnh táo và lựa chọn cách đòi nợ đúng luật.

Anh bạn tôi hỏi tiếp: Làm sao để đòi cho đúng đây khi con nợ không bỏ trốn? - Tôi mạnh dạn chỉ tiếp - đi kiện chứ sao nữa, có cả một cơ quan tố tụng đòi nợ giùm, dù tốn chi phí và thời gian nhưng đúng luật.

Nghe vậy, anh bạn tôi cười khà khà và phán "đúng là chưa được làm chủ nợ bao giờ".

Hỏi ra mới biết nhiều chủ nợ hên thì đòi được nhưng xui thì rơi vào cái vòng luẩn quẩn "đi kiện - mất phí - thắng kiện - con nợ vẫn không chịu thi hành án vì trên người chỉ có đôi dép là tài sản to nhất".

Nghe xong chỉ biết cảm thán: Đúng là khổ như chủ nợ!

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/kho-nhu-chu-no-post832854.html