Khổ như làm phù dâu ở Trung Quốc
Bị ép rượu, bị sàm sỡ công khai và thậm chí là lạm dụng tình dục khiến nhiều cô gái ở Trung Quốc không dám làm phù dâu trong đám cưới người quen.
Cái chết của phù dâu 28 tuổi ở Văn Xương (Hải Nam, Trung Quốc) vì bị ép uống quá nhiều rượu hồi tháng 9/2016 là hồi chuông cảnh báo tình trạng nghiêm trọng của loạt trò vui quá đà trong đám cưới. Không chỉ dân thường, đến ngay cả những người nổi tiếng khi làm phù dâu cũng có thể trở thành nạn nhân, bị lạm dụng hoặc trêu ghẹo tục tĩu. Gần đây, cư dân mạng Trung Quốc xôn xao với đoạn clip ghi lại cảnh nữ diễn viên nổi tiếng Liễu Nham bị một nhóm phù rể ném xuống bể bơi trong đám cưới mà cô làm phù dâu.
Phù dâu đóng vai trò rất quan trọng trong đám cưới truyền thống của người Trung Quốc. Từ đón khách ở địa điểm tổ chức đám cưới, tạo dáng chụp ảnh, uống rượu mừng thay cô dâu đến canh phòng tân hôn, tất cả đều là công việc của phù dâu.
Muốn có phù dâu trong ngày cưới, các cặp đôi phải thuê dịch vụ.
Phù dâu vốn là tục lệ có từ lâu đời ở Trung Quốc. Vào thời kỳ phong kiến, việc sinh quý tử để nối dõi đặc biệt được coi trọng, dẫn đến việc cô dâu thường hay bị giành giật, bắt cóc ngay trong ngày trọng đại. Để đánh lạc hướng, phù dâu phải ăn mặc giống hệt cô dâu. Sau này, khi luật pháp trở nên nghiêm minh, tình trạng bắt cóc hầu như không còn xảy ra nữa. Vai trò bảo vệ cô dâu giờ đây chỉ còn mang tính biểu tượng.
Thay vào đó, phù dâu có vai trò là “vật trưng bày” trong đám cưới. Cũng giống như đoàn xe hơi hộ tống sang trọng, dàn phù dâu trẻ đẹp tượng trưng cho gia đình giàu có và quyền lực.
Một phong tục thường thấy ở Trung Quốc là cô dâu và chú rể đi tiếp rượu từng vị khách trong tiệc cưới. Thay mặt cho cô dâu, phù dâu phải uống cạn ly rượu, dẫn đến nhiều trường hợp bị ngộ độc và nguy hiểm tới tính mạng vì uống quá nhiều.
Một nguy cơ khác là bị sàm sỡ công khai. Tại một đám cưới diễn ra ở tỉnh Hải Nam, phù dâu bị sàm sỡ trong một trò chơi có tên “tìm hạt đậu”. Khách nam ngang nhiên đặt tay lên vùng nhạy cảm của cô gái để “mò” hạt đậu rơi trong váy. Ngạc nhiên ở chỗ, đám đông xung quanh không những không ngăn cản, mà còn tung hô cổ vũ và kéo tay nạn nhân đang cố che chắn cơ thể. Thê thảm hơn, một số phù dâu gần như bị lột sạch đồ.
Tình trạng phù dâu bị lạm dụng và quấy rối tình dục chủ yếu xảy ra ở những vùng nông thôn và các tỉnh như Sơn Đông và Hải Nam. Ở những vùng ngoại ô và các tỉnh như Tứ Xuyên và Thượng Hải, các trò chơi “nhạy cảm” đôi khi lại nhằm vào phù rể.
Nếu bị báo cảnh sát, những kẻ lạm dụng sẽ bị truy tố trước pháp luật. Nhưng do một phần sợ mất vui, phần khác lo mất mặt, nhiều cô phù dâu vẫn lẳng lặng, cắn răng chịu đựng.
Vì công việc phù dâu quá nguy hiểm, nhiều cô dâu chú rể lâm vào tình thế khó khi không tìm được người bạn gái nào chịu “xả thân”. Kết quả là họ phải thuê người ngoài làm phù dâu trong ngày cưới. Hiện có hơn 50 công ty tổ chức đám cưới tại Trung Quốc đã mở thêm dịch vụ cho thuê phù dâu chuyên nghiệp. Bên cạnh những nhiệm vụ thông thường, phù dâu chuyên nghiệp còn đảm nhiệm thêm việc trang điểm và “xử lý” những vị khách thô lỗ. Ngoài ra, họ cũng phải biết cười duyên, tạo bầu không khí vui vẻ và tham gia vào những trò chơi trong đám cưới.
Tùy vào mức độ “khó” của công việc, chi phí thuê một phù dâu chuyên nghiệp rơi vào khoảng 200 - 800 NDT (22 - 90 USD). Rất nhiều cô gái đồng ý làm phù dâu cuối tuần để có thêm thu nhập.
Mặc dù vậy, một khi chưa có luật và quy định rõ ràng, dịch vụ cho thuê phù dâu chuyên nghiệp không thể ngăn chặn được sự lây lan của những tục lệ tai quái. Ngược lại, nó còn khiến người khác hiểu lầm về giá trị của phụ nữ.