Khó phát triển tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp ngoài nhà nước

Với tỉnh có nhiều đặc thù như Lai Châu, thực hiện nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là vấn đề khó. Trong khi đó, chỉ tiêu giao ở cấp Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đang cao, chưa sát với thực tiễn ở địa phương. Do đó, tỉnh đang gặp khó trong thực hiện nhiệm vụ này.

Số lượng doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh theo rà soát tháng 4/2024 có khoảng 400 đơn vị với khoảng 2.700 lao động chưa có tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, sử dụng ít lao động. Số liệu của cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội cho thấy có nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng 1-3 lao động; có 8 doanh nghiệp sử dụng trên 25 lao động chưa thành lập tổ chức công đoàn. Các lao động chủ yếu thời vụ và là lao động phổ thông, không ổn định, chưa yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, không thiết tha gia nhập tổ chức công đoàn, nhận thức còn hạn chế.
Làm rõ thực trạng này, đồng chí Nguyễn Hồng Thanh (chuyên viên Ban Tổ chức - Kiểm tra LĐLĐ tỉnh) cho biết: Từ đầu năm đến ngày 23/7, toàn tỉnh mới thành lập được 5 tổ chức CĐCS với 148 đoàn viên thuộc lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước. Trong khi đó, trong cả năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam giao cho Lai Châu phát triển 1.100 đoàn viên công đoàn. Thực tế vài năm qua do nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước phải giải thể nên số tổ chức và đoàn viên công đoàn đang có chiều hướng giảm. Tại Công ty Cổ phần Dương Gia Lai Châu (thành phố Lai Châu) tổ chức công đoàn được thành lập từ tháng 10/2023 với tổng số 63 đoàn viên công đoàn. Do công ty thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự nên hiện tại chỉ còn gần 50 đoàn viên công đoàn. Mặc dù chế độ cho đoàn viên công đoàn vẫn được đảm bảo song do nguyên nhân nội tại nên việc thu hẹp số lượng đoàn viên của tổ chức công đoàn là khó tránh khỏi.

Công nhân Công ty Cổ phần Dương Gia Lai Châu chăm sóc cây mắc-ca.

Công nhân Công ty Cổ phần Dương Gia Lai Châu chăm sóc cây mắc-ca.

Với những khó khăn hiện có, đồng chí Hoàng Thọ Trung - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cũng khẳng định: Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã kết nạp 1.237 đoàn viên, thành lập 40 CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, với chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, chúng tôi cũng xác định rất khó thực hiện được.
Thời gian qua, nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt đã được LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn triển khai thực hiện như: ký quy chế phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh với UBND, Cục thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh để tranh thủ sự chỉ đạo, phối hợp, cung cấp thông tin lao động tại các doanh nghiệp. Chỉ đạo các cấp công đoàn hằng năm tiến hành khảo sát, nắm và dự báo tình hình doanh nghiệp, tình hình công nhân lao động; xác định các doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng chưa thành lập công đoàn, số lượng người lao động chưa tham gia công đoàn để xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS cho LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành. Đồng thời, đưa kết quả thực hiện các chỉ tiêu về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vào tiêu chuẩn xét thi đua, khen thưởng hằng năm. LĐLĐ tỉnh thành lập đoàn công tác gặp gỡ, tư vấn trực tiếp về pháp luật lao động, công đoàn và thông tin tuyên truyền sâu rộng về hoạt động của các cấp công đoàn trên báo, đài, mạng xã hội. LĐLĐ tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó quy định rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp ủy, các ban, sở, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với tổ chức công đoàn.
Nhằm nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ phát triển tổ chức công đoàn ngoài nhà nước, theo đồng chí Hoàng Thọ Trung thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan cần phải tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Thành lập các đoàn công tác để tư vấn, tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh trong công tác quản lý doanh nghiệp, lao động trên địa bàn. Các cấp công đoàn phải thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch khảo sát, điều tra, thống kê nắm tình hình công nhân lao động và doanh nghiệp ở cả những doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Trên cơ sở đó, đánh giá, phân tích số liệu thống kê, phân loại doanh nghiệp theo từng địa bàn hoạt động và số lượng công nhân lao động, xác định tỷ lệ doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập CĐCS theo quy định và giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị có trách nhiệm vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS.
LĐLĐ tỉnh cũng sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức các buổi làm việc với chủ doanh nghiệp để chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ các đơn vị gặp khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực công tác, kinh nghiệm và kỹ năng thương lượng, vận động thuyết phục, đối thoại... cho cán bộ làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở từng cấp công đoàn. Lấy mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động làm nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của các cấp công đoàn.

Thu Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-h%C3%B4m-nay/kh%C3%B3-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-c%C3%B4ng-%C4%91o%C3%A0n-%E1%BB%9F-doanh-nghi%E1%BB%87p-ngo%C3%A0i-nh%C3%A0-n%C6%B0%E1%BB%9Bc