Khổ sở vì thiếu nước

Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi đây lại là sinh kế lớn ở Đông Nam Á, nơi có khoảng 600 triệu dân

Tại quận Papar, bang Sabah - Malaysia, quán ăn của ông Eddy đang bị ảnh hưởng nặng nề. Hạn hán kéo dài nhiều tuần qua khiến đầu bếp 44 tuổi này thiếu cả nước đánh răng chứ đừng nói tới có nước phục vụ buôn bán, theo báo South China Morning Post.

Trận hạn hán - do hiện tượng El Nino gây ra thời tiết khô, nóng kéo dài - càng tồi tệ hơn vì hệ thống hạ tầng nước cũ kỹ. Chính quyền bang Sabah ước tính khoảng 150.000 dân Papar thiếu nước nghiêm trọng từ giữa tháng 2 - thời điểm nhà máy xử lý nước khẩn cấp trong quận bị nhiễm mặn và phải đóng cửa - dù thị trấn này có một con sông chảy qua.

Cũng phải điều xe bồn đến cung cấp nước tạm thời cho người dân như quận Papar nói trên là khu ngoại ô Bandepalya của TP Bengaluru, miền Nam Ấn Độ. Đài CNN mô tả người dân của khu nhà nghèo này phải xách xô xếp hàng chờ xe bồn chở nước từ 9 giờ sáng. Bốn giờ sau, xe bồn mới tới và chỉ chưa tới 1 giờ đã hết nước, kéo theo đó là cảnh cãi vã hỗn loạn và căng thẳng.

Người dân tại một khu dân cư ở TP Bengaluru - Ấn Độ chờ lấy nước từ xe bồn vào tháng 3-2024. Ảnh: REUTERS

Người dân tại một khu dân cư ở TP Bengaluru - Ấn Độ chờ lấy nước từ xe bồn vào tháng 3-2024. Ảnh: REUTERS

Thu nhập của cư dân khu này vào khoảng 6.000 - 8.000 rupee/tháng/người (khoảng 70 - 95 USD) và nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài dốc phân nửa thu nhập vào mua nước sinh hoạt.

"Chúng tôi hầu như không dám tắm và hạn chế giặt quần áo" - cô Susheela, một cư dân ở Bandepalya, kể trong khi một phụ nữ khác tên Kumkum nói cô phải rửa mặt cho con cái mỗi buổi sáng bằng nước đóng chai.

Điều đáng nói là Bengaluru, hay còn gọi là Bangalore, từng được mệnh danh là "thành phố vườn tược của Ấn Độ" với mạng lưới hồ nhân tạo rộng lớn cung cấp nước cho người dân.

Mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ đầu những năm 1990, khi Bengaluru bùng nổ đô thị hóa để biến thành trung tâm công nghệ hàng đầu với biệt danh "Thung lũng Silicon của Ấn Độ" như ngày nay.

Hơn 70% lượng nước của thành phố lấy từ sông Cauvery nhưng mùa mưa năm ngoái lại ít mưa, khiến cả sông lẫn nước ngầm khô cạn. Theo chính quyền Bengaluru, khoảng 7.000 trong số 16.000 giếng đào của thành phố đã cạn nước.

Trong lúc chờ trời mưa xuống để xoa dịu bớt khủng hoảng - các chuyên gia Malaysia dự báo có bão và mưa lớn vào tháng 4 và tháng 5 tới, chính phủ Malaysia cho biết đang theo đuổi nhiều giải pháp đồng thời để quản lý nước hiệu quả hơn.

Chuyên gia về nước Azuhan Mohamed nhấn mạnh cần phát triển và tận dụng nước ngầm tốt hơn. "Chúng ta dựa quá nhiều vào nguồn nước mặt, do đó rất dễ thiếu nước mỗi khi vào mùa khô, trời không mưa" - ông chỉ ra và nói thêm người dân nên tham gia tiết kiệm nước bằng cách nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng mỗi khi phát hiện đường ống rò rỉ.

Đồng lúa của làng Ridogalih, Tây Java - Indonesia khô cằn trong mùa khô năm ngoái. Ảnh: CNA

Đồng lúa của làng Ridogalih, Tây Java - Indonesia khô cằn trong mùa khô năm ngoái. Ảnh: CNA

Nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi đây lại là sinh kế lớn ở Đông Nam Á, nơi có khoảng 600 triệu dân.

Trong mùa hạn năm ngoái, chính phủ của nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan đã khuyến khích nông dân bớt trồng lúa để tiết kiệm nước. Giới chức Indonesia mới đây khuyến khích người dân chuyển sang ăn các loại ngũ cốc khác khi mà giá gạo đang lên cao - hệ quả của việc khô hạn, thiếu nước nên canh tác khó khăn, dẫn đến thiếu gạo.

Về lâu dài, theo nhà kinh tế học môi trường Romauli Panggabean của Viện Tài nguyên thế giới Indonesia, chính phủ Indonesia nên tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng tưới tiêu, bao gồm cải tạo các kênh đào hiện hữu và đào các kênh mới; song song đó là hướng dẫn nông dân các tập quán canh tác trong điều kiện hạn hán và các kỹ thuật bảo tồn nước, lưu trữ sau thu hoạch.

Theo Reuters, công nghệ cũng được khuyến khích áp dụng nhiều hơn, như dùng thiết bị bay không người lái và bộ cảm biến để theo dõi mùa màng, độ ẩm trong đất...

Bài học từ Singapore

Trong những thập kỷ gần đây, Singapore đã chuyển thành trung tâm kinh doanh quốc tế hiện đại với nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Sự bùng nổ kinh tế khiến lượng nước tiêu thụ của Singapore tăng hơn 12 lần kể từ khi giành được độc lập năm 1965.

Không có tài nguyên nước tự nhiên, Singapore phải dựa vào nước nhập khẩu từ Malaysia thông qua một loạt thỏa thuận dự kiến hết hạn vào năm 2061.

Theo nghiên cứu của chính phủ Singapore, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiệt độ trung bình tăng dự kiến làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh nguồn nước. Chính vì vậy, chính phủ nước này đã dành nhiều thập kỷ phát triển kế hoạch tổng thể tập trung vào "4 vòi nước quốc gia": trữ nước, tái chế, khử muối và nhập khẩu.

Theo hãng tin AP, khắp hòn đảo có 17 hồ trữ nước mưa. Nước mưa sau đó sẽ được xử lý qua một loạt công đoạn đông tụ hóa học, lọc và khử trùng. Năm nhà máy khử muối sản xuất nước uống bằng cách đẩy nước biển qua màng lọc để loại bỏ muối hòa tan và khoáng chất. Các cơ sở này tạo ra hàng triệu gallon nước sạch mỗi ngày.

Một chương trình tái chế nước thải quy mô lớn sẽ lọc nước thải thông qua quá trình lọc vi mô, thẩm thấu ngược và chiếu xạ tia cực tím, bổ sung vào các bể chứa nước uống. Được gọi là "NEWater", nước thải đã qua xử lý hiện đáp ứng 40% nhu cầu nước của Singapore và chính phủ hy vọng sẽ tăng tỉ lệ này lên 55% trong những năm tới.

Singapore hiện là trung tâm toàn cầu về công nghệ nước, là nơi đặt trụ sở của gần 200 công ty nước và hơn 20 trung tâm nghiên cứu. Những công nghệ nước được phát triển và sử dụng ở Singapore, như bộ lọc nước di động, công nghệ kiểm tra nước... đã được xuất khẩu sang hơn 30 quốc gia, trong đó có Indonesia, Malaysia, Nepal.

Tuy nhiên, không phải mọi giải pháp được sử dụng ở Singapore đều phù hợp với các quốc gia khác, nhất là những nước có cơ sở hạ tầng kém phát triển hơn.

Xuân Mai

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-so-vi-thieu-nuoc-196240406212223581.htm