Khó thay đổi thị phần bảo hiểm học sinh, sinh viên

Mùa bán bảo hiểm học sinh - sinh viên năm nay dường như yên ả hơn khi các chiêu thức cạnh tranh được triển khai kín kẽ hơn. Thị phần của phân khúc nhỏ nhưng dễ bán này khó thay đổi khi vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp đầu ngành.

Mùa tựu trường cũng là mùa bảo hiểm học sinh - sinh viên diễn ra nhộn nhịp

Mùa tựu trường cũng là mùa bảo hiểm học sinh - sinh viên diễn ra nhộn nhịp

Bảo hiểm tai nạn học sinh - sinh viên là loại hình bảo hiểm tự nguyện, xét ở khía cạnh bảo vệ thì bảo hiểm toàn diện học sinh là một sản phẩm cần thiết, bổ sung cho những hạn chế của sản phẩm bảo hiểm y tế thông thường.

Là phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước bởi tiềm năng khai thác rộng mở, trong khi tỷ lệ bồi thường không cao, lại đảm bảo được nguyên lý “số đông bù số ít” nên cứ trước mùa tựu trường vài tháng là việc khai thác bảo hiểm ở phân khúc này diễn ra vô cùng nhộn nhịp.

Theo số liệu sơ bộ của ngành giáo dục, tính đến tháng 8/2024, tổng số cơ sở giáo dục trên cả nước là 53.979 cơ sở với tổng số gần 25,26 triệu học sinh, sinh viên. Nếu tính theo tăng trưởng số lượng học sinh, sinh viên thì doanh thu phí bảo hiểm sản phẩm này năm 2024 ước đạt trên 1.000 tỷ đồng (theo phương pháp tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm).

Bảo hiểm học sinh - sinh viên là một sản phẩm nằm trong nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người. Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2023, doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 23.802 tỷ đồng, tăng 0,3% so với năm 2022; bồi thường đạt 8.236 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 34,6%. Như vậy, có thể thấy, con số doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm của bảo hiểm học sinh - sinh viên tính trên tổng doanh thu của nghiệp vụ sức khỏe con người là con số rất khiêm tốn, nhưng vì phân khúc này có dư địa khai thác lớn nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường tìm mọi cách để chiếm lĩnh.

Xét về cơ cấu sản phẩm, hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều đã triển khai bảo hiểm học sinh - sinh viên, song thị phần chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp lớn và lâu năm như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm PVI, PTI, PJICO... Trong đó, với lợi thế là doanh nghiệp có mặt trên thị trường sớm nhất, có mạng lưới chi nhánh rộng lớn, Bảo Việt đang nắm giữ thị phần lớn nhất ở sản phẩm này. Các doanh nghiệp bảo hiểm khác dù cũng có chiến lược mở rộng thị phần nhưng vẫn rất khó để cạnh tranh.

Một chuyên gia bảo hiểm từng chia sẻ rằng, đối với việc khai thác sản phẩm bảo hiểm học sinh - sinh viên, nếu không thể cạnh tranh bằng cơ chế, quyền lợi sản phẩm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ sử dụng “mối quan hệ”, nên thực tế, chi phí khai thác dành cho sản phẩm này không hề nhỏ. Ngoài cơ chế hoa hồng phải chi trả cho người bán theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải chi nhiều khoản khác để có thể tiếp cận được với các trường học. Tuy nhiên, đây vẫn là sản phẩm có lãi, dù không nhiều, nên các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tập trung khai thác.

Tại Việt Nam, bảo hiểm thân thể cho học sinh không được coi là bắt buộc theo quy định pháp luật. Không có quy định cụ thể yêu cầu gia đình hoặc học sinh mua bảo hiểm thân thể như là một điều bắt buộc. Thay vào đó, nó thường là sự lựa chọn của gia đình học sinh hoặc cá nhân...

Thực tế, với số học sinh - sinh viên tăng lên hàng năm, chưa kể nếu chiến lược bán bảo hiểm cho nhóm đối tượng này và khai thác thác thêm việc bán bảo hiểm sức khỏe cho giáo viên hay cán bộ, công nhân viên của các cơ sở giáo dục được triển khai tốt thì đây là phân khúc mang lại doanh thu không quá nhỏ. Song, vấn đề đặt ra là phải có cách tiếp cận và khai thác hiệu quả hơn, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ phải linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng bảo hiểm có được sự hỗ trợ tối ưu, xóa bỏ định kiến đòi bồi thường bảo hiểm “chưa được vạ thì má đã sưng”.

Gia Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/kho-thay-doi-thi-phan-bao-hiem-hoc-sinh-sinh-vien-post353323.html