Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản xuất nông nghiệp
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến. Trong đó, việc thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn.
Những địa phương có định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao rất quan tâm thu hút DN đầu tư nhưng không như kỳ vọng.
* DN chưa mặn mà tham gia
Từ năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Theo đó, toàn tỉnh đã có 16 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt. DN được cho là “đầu tàu” trong việc dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong khâu phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Theo đó, các địa phương đặc biệt quan tâm thu hút DN tham gia vào chuỗi liên kết, nhưng số DN tham gia đầu tư cánh đồng lớn vẫn đếm trên đầu ngón tay.
DN Tuấn Sang từng tham gia dự án Cánh đồng lớn cây điều An Viễn tại xã An Viễn (H.Trảng Bom) nhưng sau 1 năm, DN rút khỏi dự án vì chương trình không hiệu quả.
Ông Phạm Văn Tuấn, chủ DN này chia sẻ: “Vài năm trước, An Viễn xây dựng dự án Cánh đồng lớn cây điều với quy mô diện tích cả ngàn ha. Mỗi vụ thu hoạch điều, DN thu mua được cả ngàn tấn hạt điều từ vùng nguyên liệu này. Nhưng vùng nguyên liệu điều mỗi năm thu hẹp dần, chương trình cánh đồng lớn cũng không hiệu quả nên DN rút khỏi dự án”.
Dự án Cánh đồng lớn cây bưởi da xanh VietGAP xã Tà Lài (H.Tân Phú) được triển khai có DN tham gia chuỗi liên kết, cam kết bao tiêu sản phẩm bưởi sạch cho nông dân với giá tốt để cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Nhưng sau thời gian triển khai, DN đã lặng lẽ rút khỏi dự án, trái bưởi sạch của nông dân chủ yếu vẫn tiêu thụ thông qua thương lái với giá hàng thường.
Trong đó, nhiều DN có mong muốn đầu tư, nhưng rồi rút lui vì còn nhiều rào cản. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, được mệnh danh là vua chuối Việt Nam. Huy Long An - Mỹ Bình cũng là DN đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chuối vào các hệ thống siêu thị của Nhật Bản. Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, trái chuối Việt Nam cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới, DN này quan tâm đầu tư các dự án cánh đồng lớn trồng chuối xuất khẩu. Từ nhiều năm trước, DN đã tìm hiểu với mong muốn đầu tư dự án cánh đồng lớn trồng chuối cấy mô xuất khẩu tại H.Trảng Bom. Nhưng đến nay, DN vẫn chưa đầu tư vì giữa nông dân và DN chưa tìm được tiếng nói chung.
Nhiều năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng rất quan tâm thu hút DN đầu tư vào chế biến nông sản. Nhưng thực tế, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại các địa phương còn rất hạn chế, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ nên mục tiêu phát triển ngành chế biến, đặc biệt là đầu tư chế biến sâu vẫn chưa xứng với tiềm năng.
* Khó thu hút đầu tư
Với mục tiêu xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, H.Xuân Lộc từng tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ DN với mục tiêu kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án xây dựng nhà máy chế biến nông sản, dự án nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư công nghệ thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước...
Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, huyện đang triển khai đề án Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025 gắn với mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Trong bối cảnh nguồn lực từ địa phương còn hạn chế, muốn phát triển nhanh, bền vững ngành Nông nghiệp thì sự đầu tư của DN, đặc biệt là DN tầm cỡ có vai trò rất quan trọng. Địa phương nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của DN trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm qua, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp của H.Xuân Lộc còn khiêm tốn.
Huyện Long Thành cũng đang xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu phát triển nông nghiệp xứng tầm với đô thị sân bay trong tương lai. Nhiều xã như: Bình An, Cẩm Đường, Bàu Cạn… đã quy hoạch quỹ đất nông nghiệp cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, câu chuyện thu hút DN đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao không dễ thực hiện.
Ông Phạm Ngọc Vinh, Phó trưởng phòng Kinh tế H.Long Thành chia sẻ, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện cũng xây dựng kế hoạch hỗ trợ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu cần thiết về điện, nước, đường giao thông…, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đến đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ hiện nay là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần số vốn lớn. Ngoài ra, việc thực hiện các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đang vướng rất nhiều thủ tục về đất đai, xây dựng, giới thiệu địa điểm đầu tư… nên chưa nhiều DN mặn mà tham gia.
Cùng quan điểm, Phó trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom Đoàn Xuân Trường nhận xét: “Khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là sản xuất còn nhỏ lẻ. Trong đó, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không nhiều nên đầu ra nông sản còn bấp bênh. Việc thu hút được DN đầu tư chế biến vẫn là bài toán khó”.