Khó thu hút dự án hợp tác công – tư trong lĩnh vực y tế

Việc hợp tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực y tế được coi là giải pháp để nâng cao chất lượng và năng lực y tế. Song tại Việt Nam PPP trong lĩnh vực y tế còn kém do vướng về chính sách. Các doanh nghiệp đã đưa ra kiến nghị với Chính phủ để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Đó là nội dung ghi nhận tại hội hội thảo: “Tăng cường hợp tác công – tư thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế” do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 18-5.

Quang cảnh hội thảo

PPP trong y tế còn ít

Tại hội thảo trên, ông Trần Duy Đông, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng ở Việt Nam hiện nay, những thay đổi về nhân khẩu học, dịch tễ học và xã hội đang đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế. Đặc biệt, trải qua khoảng thời gian đương đầu với đại dịch đã làm bộ lộ nhiều hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, với tốc độ dân số già hóa nhanh, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam cũng tăng mạnh. Nhu cầu về nguồn lực để điều trị các bệnh ung thư, tim mạch hay các bệnh có nguy cơ như huyết áp, tiểu đường cũng tăng lên. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng lên và có nhu cầu cao hơn về chất lượng và ứng dụng công nghệ trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ông Đông cho rằng những thay đổi trên đòi hỏi nước ta phải mở rộng và tăng cường mạng lưới chăm sóc sức khỏe. Chất lượng chăm sóc và mức độ hài lòng người bệnh đã được cải thiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại về cơ sở vật chất và chi phí chăm sóc sức khỏe. Chỉ số hài lòng người bệnh trung bình tại Việt Nam đạt 4,04 trên 5 vào năm 2018 – cao hơn một chút so với 3,98 điểm năm 2017. Người dân thể hiện quan ngại về điều kiện cơ sở hạ tầng tại các bệnh viện, đặc biệt là ở cấp tỉnh và huyện.

“Để nâng cao chất lượng trong lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực y tế của người dân, thì việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng và thiết bị là yêu cầu rất quan trọng. Ở nhiều nước trên thế giới, việc áp dụng hình thức hợp tác công – tư (PPP) để xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế đã có đóng góp rất nhiều trong quá trình giải quyết vấn đề về thiếu hụt nguồn lực vốn nêu trên,” ông Đông nói.

Dẫn số liệu từ các nước, thứ trưởng Đông cho biết tại Úc, đầu tư xây dựng công trình trong lĩnh vực y tế theo hình thức PPP đã góp phần giảm chi phí vượt ngân sách từ 18% xuống 4,3%. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc quản lý đầu tư xây dựng theo hình thức PPP đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân – đến năm 2023, Thổ Nhỹ Kỳ cần đầu tư xây dựng thêm 90.000 giường bệnh.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, ở Việt Nam, cơ chế thu hút nguồn nhận lực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng đã được cụ thể hóa trong quá trình xây dựng luật PPP. Tuy nhiên, công tác triển khai luật PPP còn gặp nhiều hạn chế. Các dự án PPP được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải. Một số lĩnh vực được quy định nhưng chưa triển khai hoặc áp dụng chưa thành công như nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, hạ tầng khu kinh tế…

Ông Đông cũng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết, đến năm 2019 có 58 dự án thuộc danh sách dự án PPP trong lĩnh vực y tế được đề xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong những án này, chỉ có 13 dự án thực hiện đến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Có 6 dự án đến giai đoạn báo cáo nghiên cứu khả thi, 5 dự án đến giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, và có 2 dự án đến giai đoạn ký kết hợp đồng.

“Mặc dù đây là lĩnh vực tiềm năng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Từ năm 2019 đến nay, trong lĩnh vực y tế chưa có thêm dự án đầu tư theo hình thức PPP. Chính vì vậy, đây là lúc để rà soát lại khung chính sách thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế. Từ đó, nhận diện những cơ hội và các vấn đề thách thức trong việc thực hiện mô hình PPP trong lĩnh vực y tế hiện nay,” ông Đông nói.

Kiến nghị từ doanh nghiệp

Tại hội thảo, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AstraZeneca Việt Nam và Các thị trường mới nổi khu vực châu Á cho rằng, sự ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 trên toàn cầu đã cho thấy những lỗ hổng trong ngành y tế các nước cần được khắc phục.

Theo ông Nitin Kapoor, khoảng thời gian hai năm vừa qua đã khẳng định tầm quan trọng của mạng lưới y tế tuyến cơ sở. Sự vững vàng của y tế tuyến cơ sở là yếu tố quyết định sự vững vàng của cả hệ thống y tế. Tuy nhiên, các cán bộ y tế ở tuyến này lại thường phải đối diện với các vấn đề như thiếu nhân lực, trang thiết bị và chuyên môn.

Vị này cho biết theo nghiên cứu từ dự án “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế” (PHSSR) giữa Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI) và AstraZeneca Việt Nam, việc phát triển y tế cơ sở là một trong những đề xuất thiết thực nhất để xây dựng tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế. Trong giai đoạn tiếp theo của dự án, hai bên sẽ đào sâu nghiên cứu và mở rộng hợp tác với nhiều đối tác mới để đưa những chính sách này vào giai đoạn triển khai, giúp hệ thống chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo.

Còn theo ông Torben Minko, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được khuyến khích có khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn cho các dự án đầu tư theo mô hình PPP nhằm tăng cường thu hút đầu tư. Việt Nam có tiềm năng phát triển hình thức PPP song vẫn chưa được áp dụng trong lĩnh vực dịch vụ.

“Hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể mở ra những đóng góp hơn nữa từ khu vực tư nhân nhằm hướng tới một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiên tiến và bền vững. Như vậy, khung pháp lý chính là chiếc chìa khóa giúp tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tạo ra môi trường bền vững,” ông Torben Minko nói.

Ông Torben Minko cho biết, các mối quan tâm chính của các thành viên EuroCham trong PPP bao gồm các mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập, giải quyết các mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng, củng cố hệ thống y tế và tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các loại thuốc mới và chất lượng cao.

“Vẫn còn những rào cản khi kinh doanh tại Việt Nam. Các chính sách hiện tại và các vấn đề trong quá trình thực thi là một trong những rào cản làm suy yếu khả năng dự đoán và tính bền vững cần thiết để hỗ trợ quyết định đầu tư. Ngoài ra, chi phí kinh doanh cao hơn theo năm đối với các công ty dược đa quốc gia cũng tác động đến niềm tin đầu tư. Cần có một khung pháp lý phù hợp hơn để thúc đẩy PPP phát huy hết tiềm năng của hình thức đầu tư này,” ông Torben Minko nhấn mạnh.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kho-thu-hut-du-an-hop-tac-cong-tu-trong-linh-vuc-y-te/