Khó thực hiện niêm yết giá hàng hóa tại chợ
ĐBP - Nghị định 177/2013/NÐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, quy định các cửa hàng, ki ốt kinh doanh hàng hóa phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng... để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý. Tuy nhiên, qua khảo sát, ngoại trừ các siêu thị thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, còn hầu hết cửa hàng, chợ truyền thống, nhất là ở vùng cao, vùng xa vẫn chưa thực hiện niêm yết giá.
Người dân mua hàng tại phiên chợ xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.
Những mặt hàng thuộc diện phải kê khai giá, như: Ðiện bán lẻ; phân đạm urê; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn… thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá. Ðối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Ðối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết. Tuy nhiên, hiện nay, việc chấp hành các quy định về giá, bán hàng theo giá niêm yết của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn mang tính hình thức, đối phó.
Qua khảo sát các cửa hàng, ki ốt tại chợ Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ, hầu hết hàng hóa đều không được niêm yết giá bán, chỉ trừ một số sản phẩm thuộc hàng công nghệ chế biến đã được nhà sản xuất in trực tiếp trên bao bì. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua hàng không biết được giá chính xác của từng sản phẩm để cân đối tài chính, lựa chọn mua cho hợp lý, dẫn đến tình trạng mua bị “hớ” khi chưa kịp cập nhật giá cả thị trường. Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương. Bà N.T.N. chủ cửa hàng tạp hóa chợ Nam Thanh chia sẻ: “Việc niêm yết giá khá phiền phức, giá cả thường xuyên thay đổi cùng với thói quen mặc cả khi mua hàng của người tiêu dùng, vì vậy nếu có niêm yết giá trên sản phẩm cũng không có mấy tác dụng”.
Tình trạng không niêm yết giá bán không chỉ diễn ra trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ mà hầu hết chợ, cửa hàng trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thì việc niêm yết giá càng khó thực hiện. Ðặc biệt đối với những mặt hàng không thuộc danh mục Nhà nước quản lý giá thì hầu như chưa được chủ cửa hàng, ki ốt niêm yết giá bán. Chị Lò Thị Tình, người dân huyện Tủa Chùa cho biết: “Trên địa bàn huyện có rất nhiều hàng quán, chợ phiên, thế nhưng khó có thể tìm thấy một mặt hàng, nhất là hàng nông sản được tiểu thương niêm yết giá. Chúng tôi đến mua, lựa chọn tùy vào mặt hàng đẹp xấu rồi đưa ra mức giá mà người bán lẫn bên mua đều chấp thuận là được nên cũng không bao giờ để ý bảng niêm yết giá sản phẩm”.
Quy định xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật và niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng đã được ban hành. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay việc chấp hành các quy định về giá, bán hàng theo giá niêm yết của các hộ kinh doanh còn mang tính hình thức và đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh cho rằng, việc thực hiện niêm yết giá gặp nhiều khó khăn do giá cả các loại hàng hóa có sự biến động hằng ngày. Ðiều này dẫn đến tình trạng không niêm yết giá các mặt hàng vẫn diễn ra phổ biến. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra, xử phạt 341 vụ vi phạm về giá như: không niêm yết giá, niêm yết giá sai quy định, vượt quá quy định cho phép.
Theo ông Lò Ngọc Minh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ðiện Biên, mặc dù lực lượng quản lý thị trường đã chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức cho tiểu thương, chủ cửa hàng ký kết về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết nhưng qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy nhiều hộ kinh doanh chưa chấp hành triệt để. Có tình trạng này một phần là do tâm lý của người tiêu dùng, nhưng quan trọng hơn là các tiểu thương, doanh nghiệp chưa có ý thức xây dựng kinh doanh thương mại hiện đại. Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm về pháp lệnh giá còn thấp, không đủ mạnh để răn đe.
Việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết là góp phần bình ổn giá, bảo vệ người tiêu dùng. Ðể việc niêm yết giá trở thành nếp kinh doanh ở các chợ cần phải có biện pháp, chế tài mạnh hơn đối với người vi phạm; các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh trong việc niêm yết giá. Cùng với đó, các sở, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật, thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết của các tổ chức, cá nhân và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Lực lượng thanh tra chuyên ngành của các sở, ngành cũng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý theo ngành dọc để đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về thực hiện quy định niêm yết giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và báo cho cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý.