Khó thúc mạnh tăng trưởng tín dụng?

Giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng không đơn thuần là mối quan hệ có tính nhân – quả một chiều, mà có sự tác động qua lại lẫn nhau. Tăng trưởng tín dụng thấp có thể là nguyên nhân tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể là hệ quả kéo theo từ một nền kinh tế đang suy yếu và triển vọng không mấy tích cực.

Việc cấp tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro (do vốn tự có của dự án PPP chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 20-25%, vốn vay lớn). Ảnh: LÊ VŨ

Việc cấp tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro (do vốn tự có của dự án PPP chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 20-25%, vốn vay lớn). Ảnh: LÊ VŨ

“Sốt ruột” với tăng trưởng tín dụng

Cùng thời điểm này năm ngoái, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng, với tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến cuối tháng 11-2022 đã đạt hơn 12%, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tăng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng (ngày 5-12-2022). Và chỉ riêng tháng 12-2022 tín dụng đã kịp tăng tốc thêm 1,94% để về đích năm 2022 ở mức gần 14,2%.

Còn năm nay, số liệu cập nhật gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng đến ngày 23-11-2023 chỉ mới đạt 8,38% so với cuối tháng 12-2022, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu cả năm 14,5%. Theo đó, dư địa còn lại của toàn hệ thống để mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2 điểm phần trăm, tương đương khoảng 735.000 tỉ đồng.

So sánh diễn biến và kết quả tăng trưởng tín dụng của 11 tháng đầu năm nay so với 11 tháng đầu năm ngoái, cộng thêm tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay chưa đạt được như mục tiêu kỳ vọng, dễ hiểu vì sao không ít ý kiến thể hiện sự “sốt ruột” với tăng trưởng tín dụng.

Từ tháng 7 năm nay, NHNN cũng đã sớm phân bổ hết hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển tín dụng cùng những lợi thế, mục tiêu có sự khác biệt, bức tranh tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng đã có sự phân hóa đáng kể, như bài viết Phân hóa tăng trưởng tín dụng, bức tranh không quá xám trên KTSG số ra ngày 9-11-2023 đã chỉ ra(*).

Chính vì vậy, mới đây, ngày 29-11-2023, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các ngân hàng, theo hướng điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ các tổ chức tín dụng không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các tổ chức tín dụng cần mở rộng tăng trưởng tín dụng. Đây được xem là giải pháp để thúc đẩy tín dụng tăng tốc hơn trong tháng còn lại của năm nay.

Tuy nhiên, câu chuyện không nằm ở hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ cho các ngân hàng, hay ở nguồn cung vốn, mà thực chất đến từ bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, khi triển vọng không quá tích cực còn rủi ro tiềm ẩn lại cao, niềm tin kinh doanh thấp đã ảnh hưởng lên nhu cầu tín dụng. Như nhiều phân tích đã chỉ ra, với việc đơn hàng xuất khẩu suy giảm, cầu tiêu dùng trong nước tăng chậm, các doanh nghiệp không chắc chắn về đầu ra nên không muốn mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh, thậm chí thu hẹp hoạt động, dẫn đến giảm nhu cầu vay vốn là tất yếu.

Trong khi đó, nhu cầu vay từ phân khúc khách hàng cá nhân cũng giảm sút, do các hộ gia đình, cá nhân bị giảm thu nhập, mất việc làm nên không còn đáp ứng được các điều kiện vay. Đặc biệt, một lượng lớn tín dụng khách hàng cá nhân trước đây được rót vào kênh đầu tư bất động sản, nhưng với diễn biến thị trường nhà đất suy giảm trong thời gian qua, cũng đã tác động tiêu cực lên tăng trưởng tín dụng ở phân khúc này.

Và cũng theo một số phân tích đã chỉ ra, tăng trưởng tín dụng toàn ngành từ đầu năm đến nay còn bị tác động bởi hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp, cũng như hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính bị chững lại khi vừa phải tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu vừa phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới, trong bối cảnh đang có một làn sóng rủ nhau “bùng nợ” vay tiêu dùng.

Chính sách tài khóa cần thể hiện vai trò rõ nét hơn

Nếu như đầu năm nay, lãi suất cho vay tăng vọt theo lãi suất tiền gửi, ảnh hưởng lên động lực vay vốn của khách hàng, thì những tháng qua lãi suất đã trượt dài ở cả đầu vào tiền gửi lẫn đầu ra cho vay, nên cũng không thể đổ cho lãi suất được nữa. Thực tế hiện nay khá nhiều ngân hàng triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi rất thấp, chỉ từ 5-6%/năm, nhưng cũng chưa thể kích được hoạt động cho vay tăng trưởng như kỳ vọng.

Đứng ở góc độ các ngân hàng, trong một môi trường kinh doanh rủi ro cao như hiện nay, chiến lược đầu tư hay phát triển cho vay thận trọng hơn cũng không có gì lạ. Nếu vì áp lực thừa tiền trong hệ thống hay phải kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách gây sức ép lên đầu ra tín dụng, không loại trừ khả năng phát sinh rủi ro khi dòng vốn sẽ đi vào những kênh đầu tư có tính mạo hiểm, lướt sóng và đánh quả ngắn hạn.

Như đã nói, khi cầu tiêu dùng yếu và đơn hàng sụt giảm, khu vực sản xuất sẽ bị ảnh hưởng trước tiên và cũng giảm khả năng hấp thụ vốn, do đó dòng vốn tín dụng có muốn rót vào lĩnh vực sản xuất cũng rất khó. Thay vào đó, các nguồn lực tài chính có thể tích cực tìm kiếm cơ hội ở các kênh đầu tư khác vốn không được khuyến khích, hệ quả là những bong bóng tài sản mới có thể lại hình thành, nhất là khi lãi suất đã giảm về mức thấp như hiện nay.

Còn nếu nhìn vào câu chuyện tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng, thông thường những năm trước đây, tăng trưởng tín dụng gấp đôi tăng trưởng kinh tế. Do đó, trong năm nay, với tăng trưởng GDP dự kiến chỉ ở mức 5%, tăng trưởng tín dụng rất khó có thể đạt mục tiêu 14,5% và nếu chỉ đạt quanh mức 10% thì cũng có thể chấp nhận được. Cũng cần nhắc lại rằng, Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (với dữ liệu cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%), là một sự cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn.

Cập nhật đến cuối năm 2022, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tiếp tục tăng, lên mức trên 125%. Với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ ở mức 5%, nếu tăng trưởng tín dụng để hoàn thành mục tiêu 14,5% khi đó tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam sẽ tăng vọt lên mức hơn 137%. Còn trong kịch bản tăng trưởng tín dụng về đích ở mốc 10%, tỷ lệ này cũng tăng lên mức hơn 131%. Đây là điều cần phải suy ngẫm.

Thực tế giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng không đơn thuần là mối quan hệ có tính nhân – quả một chiều, mà có sự tác động qua lại lẫn nhau. Tăng trưởng tín dụng thấp có thể là nguyên nhân tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể là hệ quả kéo theo từ một nền kinh tế đang suy yếu và triển vọng không mấy tích cực.

Trong khi đó, việc sử dụng những giải pháp kích thích hay mệnh lệnh hành chính, gây sức ép để thúc đẩy tín dụng mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ tăng trưởng, không chỉ khó có thể mang lại hiệu quả cao, mà còn kéo theo nguy cơ đẩy dòng vốn vào những khu vực rủi ro như đã nói. Hiện nay, đứng ở góc độ các ngân hàng, nhiệm vụ giải trình với cổ đông khi rủi ro nợ xấu gia tăng nếu chiến lược phát triển kinh doanh không phù hợp, ảnh hưởng lên lợi nhuận, là quan trọng.

Thay vào đó, trong bối cảnh niềm tin kinh doanh lẫn cầu tiêu dùng đang ở mức thấp như hiện nay, động lực đầu tư từ khu vực tư nhân suy giảm, hoạt động đầu tư của khu vực công phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn, để làm đầu tàu kéo tăng trưởng và lan tỏa dần sức ảnh hưởng lên các khu vực còn lại. Nói cách khác, khi chính sách tiền tệ đang có những hạn chế và không thể phát huy hiệu quả, dù đã sử dụng hết các công cụ như kéo giảm lãi suất hay mở rộng hạn mức tăng trưởng tín dụng, chính sách tài khóa cần thể hiện vai trò rõ nét hơn.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kho-thuc-manh-tang-truong-tin-dung/