Khó tiêu thụ nông sản do dịch Covid-19

ĐBP - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Do vậy, việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nông dân tỉnh ta cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Người dân bản Lồng (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) thu hoạch sơn tra.

Doanh nghiệp chịu lỗ

Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gạo Điện Biên chất lượng cao lớn nhất tỉnh. Hiện nay, Công ty đang là chủ thể của chuỗi liên kết sản xuất gạo an toàn có vùng nguyên liệu trên 100ha tại 2 xã: Thanh An và Thanh Xương (huyện Điện Biên), với 400 hộ dân tham gia. Bình quân mỗi vụ lúa, Công ty thu mua khoảng 500 - 600 tấn thóc, sau đó chế biến và tiêu thụ tại các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Đà Nẵng… Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, sản phẩm gạo của Công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, có những thời điểm “cháy hàng”. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, lượng hàng tồn kho nhiều khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bị gián đoạn, thua lỗ.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Lúa gạo là sản phẩm thiết yếu nên các đại lý, siêu thị vẫn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là không có phương tiện vận chuyển hàng hóa do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Những phương tiện được phép lưu thông lại nâng phí vận chuyển lên rất cao, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg gạo thành phẩm. Nếu chấp nhận mức giá vận chuyển đó thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, còn bị lỗ. Đầu vụ Công ty thu mua thóc tươi với giá 9.000 đồng/kg. Sau quá trình chế biến, đóng gói, bao bì, dán tem chỉ dẫn địa lý, nhãn mác… 1kg gạo thành phẩm trị giá khoảng 18.000 đồng, thêm cước vận chuyển 5.000 đồng/kg sẽ nâng mức giá gạo lên khoảng 23.000 đồng/kg. Trong khi Công ty ký hợp đồng với khách hàng mức giá 22.500 đồng/kg. Như vậy, Công ty phải chịu lỗ 500 đồng/kg. Đó là chưa tính các chi phí về nhân công, khấu hao máy móc, lãi suất ngân hàng… Hiện nay Công ty chưa đầu tư được hệ thống nhà kho bảo quản đủ tiêu chuẩn nên bắt buộc phải bán thóc với giá rẻ để cắt lỗ trước vụ thu hoạch lúa mới. Năm 2020, Công ty tồn kho 60 tấn thóc. Năm nay, dù lường trước ảnh hưởng dịch Covid-19 và có phương án ứng phó song lượng hàng tồn kho vẫn còn khoảng 30 tấn. Nếu 1 - 2 tháng tới, dịch bệnh chưa được kiểm soát, vụ lúa mùa năm nay, Công ty sẽ không thể bao tiêu 100% diện tích vùng liên kết.

Tương tự, Công ty TNHH Hương Linh cũng đang phải gồng mình chịu lỗ khi doanh thu bán chè từ đầu năm đến nay giảm 60% so với những năm trước.

Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh cho biết: Hiện nay, Công ty đang triển khai 2 hình thức bán hàng: Trực tiếp tại thị trường nội tỉnh và online đối với thị trường ngoại tỉnh, trong đó hình thức online chiếm 60% doanh số. Khi dịch Covid-19 phức tạp, lây lan nhanh khiến các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì kênh bán hàng online cũng ngừng hoạt động. Doanh thu từ thị trường ngoài tỉnh gần như bằng 0 vì không thể vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng. Do đó, lượng hàng tồn kho năm nay tăng so với những năm trước. Để hạn chế thua lỗ, từ nay đến cuối năm Công ty sẽ tập trung toàn lực khai thác thị trường nội tỉnh.

Nông dân thất thu

Theo thống kê của UBND huyện Tuần Giáo, năm nay sơn tra được mùa, tổng sản lượng sơn tra ước đạt trên 900 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quả sơn tra không có người mua, giá giảm kịch sàn. Những năm trước, sơn tra bán ven quốc lộ có giá 30.000 đồng/kg quả loại 1; bán đổ cũng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg đối với quả loại 2 và loại 3. Nhưng nay thì giá bán 1.000 - 2.000 đồng/kg cũng chẳng có người hỏi mua.

Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Để giúp người dân tháo gỡ phần nào khó khăn trong tiêu thụ quả sơn tra, ngày 20/8 UBND huyện Tuần Giáo đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện hỗ trợ trong việc kết nối, tiêu thụ sơn tra. UBND huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện Tuần Giáo, Bưu điện tỉnh đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đưa sản phẩm sơn tra Tuần Giáo lên sàn thương mại điện tử POSTMART, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay số lượng sơn tra tiêu thụ rất ít.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội LHPN xã Tỏa Tình đã thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc xã Tỏa Tình để giới thiệu, bày bán nông sản, trong đó có quả sơn tra, song sức tiêu thụ cũng không mấy cải thiện.

Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: Hợp tác xã đã liên hệ với các cơ sở sản xuất, chế biến quả sơn tra ngoài tỉnh theo đầu mối những năm trước, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên có cơ sở sản xuất dừng hoạt động, có cơ sở giảm công suất đã lựa chọn hàng từ các địa bàn lân cận để giảm giá thành nên từ chối đặt hàng. Thành viên hợp tác xã cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội nhưng hiệu quả không cao. Từ đầu vụ đến nay, tổng sản lượng sơn tra hợp tác xã bán giúp người dân chỉ đạt khoảng 3 tấn.

Dịch Covid-19 là khó khăn chung của cả nước song các chủ thể kinh tế vẫn mong mỏi giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/190246/kho-tieu-thu-nong-san-do-dich-covid-19