Khó tìm bạn đời vì thiếu thời gian hay thiếu chỗ ở?

Để tạo lập mái ấm gia đình, người trẻ rất cần sự tiếp sức từ chính sách an sinh xã hội để có được chỗ ở phù hợp. Thiếu chỗ ở ổn định và an toàn có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kết hôn muộn, sinh con ít chớ không hẳn là do thiếu thời gian tìm bạn đời.

Mua, thuê nhà ở xã hội hiện vẫn còn ngoài tầm với của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Ảnh: N.K

Mua, thuê nhà ở xã hội hiện vẫn còn ngoài tầm với của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Ảnh: N.K

Tại hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 6-8, có chuyên gia đề xuất cần rút ngắn thời gian làm việc xuống 40 giờ một tuần để người trẻ có thời gian tìm bạn đời (1).

Báo động xu hướng kết hôn trễ, sinh con ít

Hiện nay số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96, thấp nhất trong lịch sử và được dự báo tiếp tục giảm. Trong khi đó, xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn lại tăng, tại TPHCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4.

Lý do kết hôn muộn thì có rất nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân do thiếu thời gian tìm bạn đời chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. So với 20 năm trước thì hiện giờ giới trẻ có nhiều kênh giao tiếp thuận tiện, ít tốn kém hơn nhiều thông qua môi trường mạng xã hội và các công cụ nhắn tin, gọi điện video chẳng hạn.

Thế nhưng cũng so với 15-20 năm trước, hiện nay người trẻ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc có được một chỗ ở ổn định, mà đây mới là yếu tố then chốt để tạo lập một mái ấm gia đình.

“Cưới nhau rồi ở đâu?” là câu hỏi thương trực mà người trẻ đang đi làm hiện nay, kể cả những người có thu nhập tốt, tầm 20 triệu đồng mỗi tháng luôn phải đặt ra. Điều này cũng dễ hiểu vì tại TPHCM hay Hà Nội, giá căn hộ chung cư trong nhiều năm gần đây đã lên đến 40-50 triệu đồng/m2, còn giá thuê cũng phải tầm 8-10 triệu đồng/tháng.

So với mức thu nhập thì hiện nay với thu nhập 20 triệu đồng/tháng người trẻ hầu như không thể tìm được nơi ở ổn định và đủ điều kiện để tạo dựng nột mái ấm gia đình. Trong khi đó, cách đây 20 năm, với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, người viết bài này có thể mua căn hộ chung cư đầu tiên có “sổ hồng” hẳn hoi ở trung tâm quận 8 với mức giá chỉ hơn 6 triệu đồng/m2. Mà giá này đã là mua lại qua một đời chủ, nếu mua từ giai đoạn chủ đầu tư mở bán và trả theo giai đoạn, mức giá chỉ khoảng 4 triệu đồng/m2 mà thôi.

Nhà ở xã hội là câu trả lời phù hợp nhất cho vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn cung cấp nhà ở xã hội quá ít ỏi so với nhu cầu, người mua nếu xếp hàng chờ có lẽ phải mất 5-10 năm mới hy vọng đến lượt.

An sinh xã hội, đặc biệt cho giới trẻ mới bắt đầu đi làm luôn là vấn đề được chính phủ các nước đặt lên hàng đầu. Trong chính sách hỗ trợ cho thanh niên mới vào đời, dù làm lao động phổ thông, công nhân hay tốt nghiệp cao đẳng, đại học có chuyên môn thì mấu chốt vẫn là tạo lập được chỗ ở ổn định.

Chỗ ở dù là thuê hay mua đều phải đáp ứng tiêu chí vừa đủ tiện nghi, không nhếch nhác mất vệ sinh, không bảo đảm an toàn cháy nổ. Môi trường sống còn phải bảo đảm về an ninh trật tự, có hạ tầng vừa đủ cho trẻ em như sân chơi, trường mẫu giáo, trường tiểu học ở khu vực gần đó.

Điều quan trọng nhất là số tiền chi trả cho việc thuê hay mua trả góp phải vừa túi tiền của những gia đình trẻ, thu nhập chưa cao, tài sản tích lũy và nguồn thu nhập thụ động khác chưa có.

Tăng lương, tăng thu nhập là việc không dễ dàng vì điều này phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế, doanh nghiệp làm ăn tốt, lợi nhuận cao mới có thể chi trả lương thưởng, phúc lợi cao cho nhân viên. Yếu tố này luôn là một biến số không bảo đảm tính ổn định.

Nhà nước cũng không thể trợ cấp, bao cấp nhà ở cho người dân vì nguồn lực có hạn và còn nhiều lĩnh vực phải ưu tiên đầu tư như hạ tầng để phát triển kinh tế đẩ nước.

Cần tín dụng sinh viên, nhà ở dài hạn để an cư

Trong bối cảnh như vậy, chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho người trẻ mới lập gia đình tạo dựng chỗ ở ổn định phụ thuộc vào chính sách tín dụng dài hạn. Đây là chìa khóa then chốt để giải quyết vấn đề.

Chính sách này không chỉ hỗ trợ cho việc mua nhà mà phải bắt đầu từ tín dụng sinh viên, tức là khi thanh niên đủ 18 tuổi và bắt đầu đi học nghề. Muốn như vậy phải thay đổi tận gốc chính sách tín dụng sinh viên hiện nay là cho vay mức tiền bằng nhau và thời hạn trả quá ngắn, người vay phải hoàn trả toàn bộ khoản vay trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp.

Tín dụng sinh viên phải thay đổi theo hướng cho người vay đủ tiền đóng học phí, tức sẽ thay đổi số tiền vay theo ngành học, mức học phí. Điều này sẽ giúp người trẻ yên tâm theo đuổi việc học, không sa vào việc làm thêm kiếm tiền rồi phải bỏ bê học hành.

Chính sách này giúp sinh viên chỉ cần làm thêm để kiếm thu nhập cho các khoản chi khác như tiền ở, tiền ăn uống. Ngoài ra, cần kéo dài thời hạn thanh toán tín dụng sinh viên lên 5-10 năm để không tạo áp lực cho thanh niên mới ra trường đi làm, thu nhập chưa cao.

Ngoài ra, chính sách tín dụng sinh viên cần mở rộng hơn, dành cho mọi cấp học như học trung cấp, cao đẳng, đại học hay kể cả học nghề ngắn hạn. Đây là sự hỗ trợ quan trọng dành cho người trẻ có được một nghề chuyên môn, là tiền đề để họ dễ tìm được việc làm và bảo đảm được việc trả nợ đã vay khi đi học cho Nhà nước.

Có nghề nghiệp, việc làm ổn định giúp người trẻ có động lực mạnh hơn để tìm bạn đời. Ở giai đoạn này, tín dụng nhà ở xã hội chính là đòn bẫy giúp thanh niên, xây dựng tổ ấm gia đình. Dù mua hoặc thuê nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội thì người trẻ vẫn cần khoản chi trả hàng tháng phải vừa túi tiền của họ.

Muốn đạt được điều này trong bối cảnh thu nhập khó tăng nhanh thì cần có chính sách tín dụng nhà ở bảo đảm cho các đôi vợ chồng trẻ được vay với lãi suất vừa phải, ổn định (không thả nổi) và thời hạn vay phải dài, có thể đến 15-20 năm. Khi chia nhỏ khoản phải trả hàng tháng vừa sức với thu nhập, người định lập gia đình sẽ không phải cân nhắc đến mức kết hôn quá trễ như hiện nay.

Việc thu hồi nợ vay của tín dụng sinh viên cũng không còn phức tạp như trước đây vì hiện tại gần 100% công dân Việt Nam đã có mã số định danh. Chỉ cần bổ sung một số chính sách như bắt buộc chi trả lương thông qua tài khoản, quản lý thu nhập qua quyết toán thuế cá nhân thì khó ai có thể “xù nợ” tín dụng sinh viên đã vay. Trước đây do khó tìm người vay sau khi ra trường, thậm chí Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề xuất ghi tiền nợ của sinh viên vào bằng tốt nghiệp để thu hồi nợ (2).

Cơ cấu dân số có tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững đất nước. Vì vậy Luật Dân số cần góp phần hoàn thiện chính sách, phù hợp thực tế để có cơ cấu và chất lượng dân số tốt nhất trong tương lai.

Muốn đạt được mục tiêu này thì phải giảm được tính trạng kết hôn muộn, sinh ít con thông qua nhiều chính sách, trong đó dùng tín dụng sinh viên, nhà ở xã hội để hỗ trợ giới trẻ tạo lập được chỗ ở và yên tâm lập gia đình đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

————————

Nghi Đồng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kho-tim-ban-doi-vi-thieu-thoi-gian-hay-thieu-cho-o/