Khó tìm... lãnh đạo hội văn học nghệ thuật địa phương

Nhiều lần trò chuyện với cộng tác viên ở các hội văn học, nghệ thuật (VHNT) địa phương, anh chị em văn nghệ sĩ tâm tình với chúng tôi nhiều chuyện thuộc dạng 'nói nhỏ nhau nghe'. Thực ra, có chuyện không nói thì ai cũng biết như chuyện hội VHNT địa phương hoạt động chật vật do thiếu sự quan tâm, đầu tư.

Lâu nay vẫn có tổng kết lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đứng đầu trong danh sách cần cắt giảm chi tiêu và đứng cuối trong thứ tự ưu tiên đầu tư. Các hội VHNT chịu sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh, thành phố. Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ vài trăm triệu đồng mỗi năm để xuất bản tác phẩm, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức triển lãm, mở trại sáng tác... muốn tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn, trao giải thưởng xứng tầm để thúc đẩy phong trào sáng tạo thì hội phải làm tờ trình lên UBND tỉnh, thành phố xin cấp kinh phí. Mọi hoạt động của hội VHNT ở địa phương phụ thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với VHNT. Sự quan tâm lại tùy từng cá nhân lãnh đạo và truyền thống từng địa phương nên mới có chuyện tỉnh không nghèo mà hoạt động VHNT rất khó khăn.

Hiện trạng kể trên dẫn đến một nghịch lý là ở nhiều hội VHNT địa phương rất khó khăn khi tìm... lãnh đạo. Chủ tịch một hội VHNT tỉnh năm nay 71 tuổi sẽ lui về phía sau bởi quy định về tuổi tác. Ông vui vẻ sắp tới được “vui thú điền viên”, không tham quyền cố vị nhưng vẫn trăn trở bởi người kế vị vẫn chưa thấy đâu dù đại hội đã cận kề. Người đang làm việc trong hội lại không có đủ uy tín nghề nghiệp để giới văn nghệ sĩ nể trọng. Phương án đưa lãnh đạo sở, ban, ngành làm lãnh đạo hội VHNT xem chừng cũng không ổn; trong khi chưa thấy lãnh đạo ở nơi khác “xung phong” về làm lãnh đạo hội VHNT. Vì chuyện hội VHNT ít được quan tâm, đầu tư nên chẳng ai muốn "lĩnh ấn" lãnh đạo cơ quan đang khó khăn trong hoạt động! Đã vậy, không chắc lãnh đạo không sáng tác VHNT có thể đồng cảm với giới văn nghệ sĩ để đưa tổ chức hội và phong trào sáng tác đi lên.

Vậy là kinh phí không phải khó khăn duy nhất của hội VHNT địa phương mà còn là câu chuyện nhân sự lãnh đạo. Hiện nay đang là giai đoạn giao thời giữa một thế hệ văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh qua chiến tranh và giai đoạn gian khó của đất nước với thế hệ sinh ra trong hòa bình. Để có lãnh đạo VHNT đáp ứng được các tiêu chuẩn, đúng người đúng việc, rõ ràng mỗi địa phương cần tìm ra những tài năng VHNT, bồi dưỡng để trở thành hạt nhân lãnh đạo kế cận như bao lĩnh vực khác. Nhưng thực tế, không mấy tài năng VHNT trẻ ở lại quê nhà bởi sức ép cơm áo gạo tiền, môi trường sáng tạo không thuận lợi đã chuyển đến địa phương khác. Chung quy vẫn là câu chuyện sự quan tâm của lãnh đạo địa phương. Đúng là tổ chức biên chế hội VHNT có hạn nhưng hoàn toàn có thể sắp xếp, ưu tiên tài năng VHNT trẻ sang ngành nghề, lĩnh vực khác để họ yên tâm sống, cống hiến cho VHNT địa phương.

Hội VHNT địa phương lâu nay bị mang tiếng là nơi dành cho người cao tuổi sinh hoạt, khó đổi mới phong trào sáng tạo, ít có hoạt động thiết thực. Đó chỉ là ý kiến của một số cá nhân cực đoan bởi văn nghệ sĩ và các hội VHNT luôn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, phát triển văn hóa nước nhà. Tinh thần chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng từ thời kỳ Hội Văn hóa cứu quốc cho đến nay vẫn được văn nghệ sĩ phát huy. Cho nên, quan tâm, chăm lo các hội VHNT địa phương, trong đó tạo nguồn nhân sự lãnh đạo là việc cấp ủy, chính quyền các nơi cần xem trọng. Bởi để phát triển văn hóa, VHNT, giữ vững trận địa tư tưởng tại địa phương thì đầu tư cho VHNT là cách đầu tư chiều sâu, lợi cả đôi đường.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/kho-tim-lanh-dao-hoi-van-hoc-nghe-thuat-dia-phuong-629468