Thông tin việc Nga thiếu đạn pháo phải "nhờ cậy" tới Triều Tiên để mua được tờ The New York Times tung ra ngày 5/9, dựa trên các tài liệu vừa được tình báo Mỹ giải mật. Hãng thông tấn AP sau đó cũng đăng tải thông tin này.
AP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, việc Nga mua vũ khí từ Triều Tiên cho thấy quân đội nước này "tiếp tục thiếu hụt nguồn cung trầm trọng" cho chiến dịch quân sự ở Ukraine,
Một phần do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Quan chức này không nói rõ số lượng đạn pháo, rocket mà Nga dự định mua từ Triều Tiên.
Ngoài thông tin Bộ Quốc phòng Nga đang trong quá trình mua hàng triệu rocket và đạn pháo từ Triều Tiên, tình báo Mỹ còn nhận định Moscow có thể tiếp tục mua thêm thiết bị quân sự từ Bình Nhưỡng trong tương lai.
Đánh giá từ tình báo Mỹ được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây xác nhận rằng quân đội Nga hồi tháng 8 đã tiếp nhận các máy bay không người lái do Iran sản xuất và đưa tới chiến trường ở Ukraine.
Nga và Triều Tiên đều chưa bình luận về thông tin mà tình báo Mỹ "rò rỉ"
Không thể phủ nhận năng lực pháo binh của Triều Tiên khi nước này sở hữu tới hơn 21.500 khẩu pháo các loại.
Trong suốt nhiều năm, Triều Tiên đã ưu tiên phát triển pháo binh thay vì các loại vũ khí khác, vì vậy có thể nói nước này đang sở hữu đội ngũ pháo binh đông đảo và đa dạng nhất thế giới.
Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga, trong bối cảnh phần lớn châu Âu và phương Tây áp lệnh trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bình Nhưỡng cũng cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở Ukraine và cho rằng chính sách "bá quyền" của phương Tây là lý do Nga phải mở chiến dịch quân sự để tự vệ.
Nga có chung đường biên giới với Triều Tiên và đã xây dựng quan hệ với nước này từ thời Liên Xô. Năm 2019, ước tính 10.000 lao động Triều Tiên làm việc tại Nga, trong các lĩnh vực khai thác, dệt may và xây dựng.
Dù vậy thông tin về việc Nga có thể hỏi mua đạn pháo từ Triều Tiên gây bất ngờ cho giới phân tích.
Pháo binh Nga được cho là đang áp chế hoàn toàn Ukraine về số lượng và cường độ pháo kích, đặc biệt là tại chiến trường Donbass.
Trong khi phía Ukraine chỉ có thể khai hỏa tối đa khoảng 6.000 quả đạn một ngày thì con số này ở phía Nga là gấp 10 lần như vậy.
Trong giai đoạn này, Nga không còn triển khai lượng lớn xe tăng hay bộ binh giao tranh với Ukraine. Thay vào đó, họ tập trung hỏa lực pháo binh áp đảo tại các khu vực tương đối nhỏ để giành lợi thế.
"Họ đã áp dụng kỹ thuật giống như Thế chiến I, sử dụng pháo binh để san phẳng mọi thứ phía trước, sau đó bộ binh mới tiến lên", Frederick W. Kagan, giám đốc Dự án Các mối đe dọa nghiêm trọng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay.
Ông nói thêm rằng những đợt pháo kích khốc liệt như vậy gây ra rất nhiều khó khăn với binh sĩ Ukraine. Gần như các binh lính chỉ còn cách tìm chỗ ẩn núp thay vì tính tới chuyện phản công.
Quân đội Nga tấn công các thị trấn bằng pháo tầm xa để giảm thiểu tổn thất cho bộ binh và phát huy sức mạnh pháo binh.
Các chỉ huy Ukraine nói, pháo binh Nga phá hủy gần như mọi công trình trên đường tiến quân, khiến lính Ukraine không còn nơi ẩn nấp.
Các cuộc pháo kích liên tục của Nga cũng thách thức khả năng của quân Ukraine trong việc giữ vững vị trí và các vùng lãnh thổ hiện tại.
Một số ý kiến cho rằng, dù Nga có nguồn lực quốc phòng lớn, nhưng với việc pháo kích khoảng 60.000 viên đạn một ngày như tại chiến trường Donbass, thì việc thiếu đạn pháo là điều đương nhiên.
Năng lực quốc phòng của Nga hiện tại không phải huy động toàn lực như kiểu chiến tranh toàn diện, vì thế dù đẩy nhanh tiến độ cũng khó lòng bù đắp đủ so với năng lực sử dụng tại chiến trường Ukraine.
Ngoài ra Nga cũng thiệt hại khoảng 40% kho đạn sau khi bị Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS tập kích. Đây là một tổn thất rất lớn không dễ gì bù đắp ngay trong thời gian ngắn.
Tuy vậy cũng có ý kiến nhà phân tích cho rằng, Nga ngoài việc thừa hưởng kho vũ khí khổng lồ thời Liên Xô, họ còn là nhà sản xuất vũ khí lớn trên thế giới.
Vì thế việc phải mua đạn pháo từ Triều Tiên có vẻ là thông tin khó tin và cần kiểm chứng, vì thực ra sản xuất đạn pháo đa phần không cần sử dụng tới chíp điện tử, điều mà Nga đang gặp khó khăn vì bị phương Tây cấm vận.
Việt Hùng