Khó toàn vẹn khi chọn môn học ở lớp 10
Từ năm học 2024-2025, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phủ sóng toàn bộ các cấp học, song việc lựa chọn môn học ở lớp 10 vẫn còn nhiều lúng túng
Sau khi xác nhận nhập học lớp 10, nhiều học sinh (HS) tại TP HCM được các trường THPT thực hiện tư vấn lựa chọn nhóm môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập bên cạnh những môn học bắt buộc ở chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Không dễ "né" môn không thích
Mới trúng tuyển lớp 10, em Nguyễn Phương, HS một trường THPT tại TP HCM, cho biết định hướng của em sau này muốn học ngành điều dưỡng, em muốn chọn tổ hợp môn tự chọn là toán, hóa, sinh nhưng trường lại không có nhóm môn học này. Theo HS này, những nhóm môn học lựa chọn mà nhà trường đưa ra đều "được cái này, mất cái kia" chẳng hạn như có tổ hợp lý, hóa, sinh nhưng em lại yếu môn lý.
Trường hợp của HS trên không phải hiếm dù đây là năm thứ 3 thực hiện chương trình GDPT mới ở bậc THPT, cũng là năm chương trình phủ sóng toàn bộ các cấp học. Theo đại diện các trường, ngoài môn học bắt buộc, HS khi trúng tuyển vào lớp 10 phải chọn tổ hợp môn tự chọn do nhà trường sắp xếp. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều em dù không thích học một số môn nhưng không còn lựa chọn nào khác. Hiệu quả đào tạo cũng vì thế không đạt như mong đợi vì HS không có đam mê học tập.
Tại TP HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) là trường duy nhất thực hiện được mô hình lớp học "chạy" - HS thích gì học đó. Ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, HS được chọn lựa 4 môn học và 3 chuyên đề. Từ sự chọn lựa môn học của HS, trường sắp xếp thời khóa biểu theo hướng tất cả buổi sáng, HS sẽ học môn bắt buộc và môn chuyên theo lớp của mình; buổi chiều sẽ chuyển sang học cùng với HS khác theo môn học tự chọn, chuyên đề đã đăng ký.
Để thực hiện được các lớp học mơ ước, mỗi HS có thời khóa biểu riêng này, trường đã thu xếp để tận dụng tất cả những phòng học đủ điều kiện; trường tuyển giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cho 2 môn học mới...
Đón đầu phương thức thi tốt nghiệp
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), cho biết khi xây dựng tổ hợp, nhà trường chia theo 2 nhóm chính là tự nhiên và xã hội, bởi thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng chỉ còn 4 môn. Tại Trường THPT Dương Văn Thì, trên cơ sở 2 năm HS chọn và tổ chức giảng dạy, căn cứ số giáo viên và tỉ lệ HS đăng ký, trường thay đổi các tổ hợp để phù hợp hơn. HS chung tổ hợp sẽ ưu tiên được xếp chung lớp.
Ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (quận 12), cho biết năm học 2024-2025, ngoài môn học bắt buộc, nhà trường tổ chức nhóm môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập theo hướng có nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh, HS. Cụ thể, nhà trường tổ chức 16 nhóm môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, tăng 4 lần so với năm ngoái. Hướng tổ chức này nhằm tăng quyền lựa chọn cho HS, tiếp cận năng lực HS theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.
Tại quận 4, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết thực tế nhiều trường học được tham khảo quy trình tổ chức nhóm môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong theo hướng "HS thích gì học đó". Tuy nhiên, nguồn lực của trường còn hạn chế nên việc tổ chức theo mô hình trên không khả thi.
Ông Đảo nói thêm, năm học 2024-2025, trường duy trì 6 tổ hợp môn tự chọn, cụm chuyên đề học tập và cũng tổ chức giới thiệu cho phụ huynh, HS tìm hiểu. "Trước đây, nhà trường tổ chức nhiều tổ hợp môn tự chọn nhưng sau 2 năm triển khai, dù có nhiều sự lựa chọn nhưng HS vẫn chọn những nhóm môn quen thuộc, theo nguyện vọng bản thân. Nhiều tổ hợp dù tổ chức nhưng HS đăng ký không đủ một lớp. Đơn cử, tổ hợp lý, hóa, sinh dù nhà trường đánh giá là thiết thực, có lợi khi các em đăng ký xét tuyển ĐH sau này nhưng toàn trường chỉ có 23 em đăng ký" - ông Đảo cho biết.
Tại Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1), theo ông Nguyễn Hùng Khương, hiệu trưởng nhà trường, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 4 môn thi, trong đó 2 môn toán, ngữ văn là bắt buộc, còn lại 2 môn HS tự chọn, nên nhà trường xây dựng 3 nhóm tổ hợp: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhóm tổ hợp kết hợp... Trong đó, mỗi tổ hợp sẽ bảo đảm 3 khối thi truyền thống xét tuyển vào các trường ĐH. Việc này giúp HS đa dạng tổ hợp xét tuyển vào các ngành nghề, các trường ĐH.
Trường ĐH cần sớm công bố tổ hợp xét tuyển
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, theo phương thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhà trường thực hiện cho HS "chạy" môn khi đến năm 12, nghĩa là ngoài thời khóa biểu chính thức, HS thi môn tốt nghiệp nào sẽ được xếp chung lớp đó. Cẩn thận hơn, để phụ huynh, HS có thêm thông tin, trường còn in tổ hợp các khối thi cơ bản của các trường ĐH trong năm 2024 để HS hình dung rõ hơn và lựa chọn đúng ý hơn. "Hiện nay đã có phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, vì thế các trường ĐH cũng cần sớm công bố phương án tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển vào trường" - bà Trúc nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-toan-ven-khi-chon-mon-hoc-o-lop-10-196240723194539933.htm