Khó tuyển sinh các khối văn hóa - nghệ thuật: Cách nào để... kích cầu?

Vừa qua, diễn viên ballet Nguyễn Thu Huệ (Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam) đã được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong '30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất năm 2020'. Đây là một phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực không mệt mỏi của Thu Huệ và trở thành nguồn động viên quý giá đối với các nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật.

Nhiều người hi vọng rằng, câu chuyện của Thu Huệ trước mùa tuyển sinh năm 2020 sẽ trở thành nguồn động lực, truyền cảm hứng cho những người trẻ trên con đường chinh phục đam mê nói chung và "giữ lửa" cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống - cổ điển nói riêng.

Nghề chẳng phụ người

Khi truyền thông loan tin cô gái xinh đẹp Nguyễn Thu Huệ trở thành nhân vật được Forbes Việt Nam vinh danh sau khi cô để lại ấn tượng sâu sắc với 2 vai diễn trong vở ballet kinh điển "Hồ Thiên Nga" đã khiến nhiều người xúc động.

Vở ballet "Hồ Thiên Nga" được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng sau 35 năm vắng bóng ở Việt Nam, nên khi ra mắt khán giả Thủ đô đã lập tức gây được xôn xao với kỳ tích 7 đêm liền cháy vé tại Nhà hát Lớn Hà Nội và 1 đêm tại công viên Hồ Thiên Nga. Vở diễn "Hồ Thiên Nga" sau đó lọt vào danh sách "10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2019" do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công bố.

Nghệ sĩ múa Nguyễn Thu Huệ - người hiện thực hóa giấc mơ ballet Việt.

Nghệ sĩ múa Nguyễn Thu Huệ - người hiện thực hóa giấc mơ ballet Việt.

Cách đây ít hôm, vở diễn "Hồ Thiên Nga" được Sự kiện bình chọn Hanoi Grapevine's Finest 2019 đề cử hạng mục "Dự án ý nghĩa trong năm". Sự kiện này nhằm tôn vinh những cá nhân, tổ chức, những dự án hoạt động nghệ thuật sáng tạo có ảnh hưởng tới cộng đồng.

Trong vở diễn "Hồ Thiên Nga", diễn viên Thu Huệ đảm nhận 2 vai diễn quan trọng có tính cách trái ngược nhau đó là Thiên nga trắng Odete và Thiên nga đen Odile. Chỉ riêng việc được giao liền 2 vai diễn quan trọng này đã cho thấy Thu Huệ là một diễn viên tài năng, được đạo diễn và nhà hát tin tưởng tuyệt đối như thế nào.

Tuy nhiên, để đi đến sự tỏa sáng này, nhiều người chắc chắn sẽ còn cảm phục khi biết cô bé Thu Huệ quê ở Thanh Hóa mới 12 tuổi đã phải đi học xa nhà tại Trường Cao đẳng múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), ngày đêm khổ luyện mà không có cha mẹ ở bên. Thu Huệ từng được trao Huy chương Vàng trong một cuộc thi tài năng, khi đầu quân về Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã từng đảm nhiệm vị trí soloist của nhiều vở ballet như: "Chopiana", "Kẹp hạt dẻ", "Giselle"…

Có thể nói, những thành công, niềm vinh dự của Nguyễn Thu Huệ có được ngày hôm nay đều phải trả giá bằng bao mồ hôi, nước mắt. Đúng là "nghề chẳng phụ người", nhưng chia sẻ về niềm vui này, nghệ sĩ Nguyễn Thu Huệ chỉ nói thật giản dị là: "Hi vọng khán giả Việt sẽ ngày càng yêu ballet và góp phần cùng những diễn viên múa truyền cảm hứng đến với người trẻ!".

Khó tuyển sinh các trường khối văn hóa nghệ thuật

Quả thực, câu chuyện diễn viên múa ballet Nguyễn Thu Huệ đã khiến nhiều người yêu và quan tâm đến nghệ thuật truyền thống - cổ điển cảm thấy thêm lạc quan. Đồng thời cũng hi vọng rằng, năm 2020 này và các năm sau, sẽ có đông thí sinh tốt nghiệp THPT dự tuyển sinh vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật hơn. Hiện nay, để tìm được những người vừa có tài năng lại vừa có đam mê, tận hiến như Nguyễn Thu Huệ quả thực là khó.

Nghệ thuật cổ điển như múa ballet, nhạc thính phòng - giao hưởng hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, xiếc... trong những năm qua đều gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh. Từ hàng chục năm nay, trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường khối văn hóa nghệ thuật lại nơm nớp nỗi lo thiếu học viên không mở được lớp.

Không nói đâu xa, ngay tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, nơi "ngôi sao sáng" Nguyễn Thu Huệ từng theo học đã nhiều năm qua không chiêu sinh đủ học viên các ngành múa ballet, biên đạo múa, huấn luyện, kịch múa.

Một lãnh đạo Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội xin được giấu tên cũng cho biết, gần chục năm nay trường không mở được một lớp diễn viên Tuồng nào. Bộ môn Chèo và Cải lương có khá hơn nhưng từng có năm bộ môn Chèo chỉ có... 1 thí sinh đăng ký dự tuyển. Các bộ môn nhạc cụ truyền thống ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội như đàn tỳ bà, đàn bầu, tam thập lục, sáo cũng rất ít thí sinh đăng ký theo học.

Việc ít thí sinh đăng ký thi tuyển, theo học các ngành văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống - cổ điển đã dẫn tới việc thiếu hụt diễn viên - nhạc công trẻ tại các đoàn nghệ thuật. Theo một thống kê chưa đầy đủ, số lượng nhạc công trẻ (tuổi dưới 30) ở các đoàn nghệ thuật truyền thống ở mức thấp kỷ lục (chỉ chiếm 5-10%).

Đứng trước nguy cơ mai một, "đứt mạch" nghệ thuật truyền thống, lãnh đạo các nhà hát nghệ thuật truyền thống đã cùng nhau lên tiếng và xây dựng nên một "Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020" đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phê duyệt và thực hiện đến nay đã bước vào chặng cuối. Với đề án này, các nhà hát sẽ tổ chức việc trực tiếp chiêu sinh theo kiểu "học nghề" tại các nhà hát.

Trong thời gian đào tạo, các nhà hát sẽ phối hợp mời các nghệ sĩ của nhà hát và giỏi của ngành tham gia đào tạo chuyên môn. Các em học sinh được chiêu sinh theo học tại nhà hát, được hỗ trợ không mất tiền ăn ở, được miễn 100% học phí cả 4 năm học. Trong thời gian tới, sẽ có những tổng kết, đánh giá về mức độ thành công của đề án và xem xét có nên tiếp tục vào các năm tiếp theo hay không.

Các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, múa ngày càng khó tuyển sinh.

Các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, múa ngày càng khó tuyển sinh.

Nhưng theo kỳ vọng của các lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam, thì lực lượng diễn viên trẻ theo học để án này sẽ là một nguồn lực quan trọng bổ sung cho các nhà hát nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Lộc Huyền (Nhà hát Tuồng Việt Nam), nghệ thuật truyền thống vốn được xem là "nghèo nhất" trong số các ngành nghệ thuật không biết có "giữ chân" được các em ở lại lâu dài hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác...

Cần gói "kích cầu" bằng cách miễn học phí?

Thực tế, việc các trường khối văn hóa - nghệ thuật gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh đã diễn ra từ hơn chục năm nay. Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm cải thiện tình hình này và coi đó như một gói "kích cầu", thu hút có thêm nhiều học sinh - sinh viên, đặc biệt là học sinh - sinh viên ở khu vực nông thôn, miền núi - nơi các gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp hơn như đã nói ở trên.

Chắc hẳn nhiều người đã biết về "gói ưu đãi" giảm 70% học phí Nghị định 74/2013/NĐ-CP quy định bổ sung một số điều của Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn giảm học phí, đã được nhiều trường áp dụng nhằm thu hút thế hệ trẻ đến với nghệ thuật truyền thống.

Theo đó, "Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc". Các "gói ưu đãi" này đã đi vào đời sống được 6-7 mùa tuyển sinh, nhưng thực tế, việc tuyển sinh vào các ngành được hưởng ưu đãi trên xem ra không mấy cải thiện.

Cụ thể, việc Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam mỗi năm tuyển 35 chỉ tiêu, nhưng việc tuyển sinh thường rất vất vả. Trường thường xuyên phải lập các Ban tuyển sinh đi đến các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi các trường để tuyển trực tiếp, nhưng việc này cũng không hề dễ dàng. Việc này cũng giống với các Nhà hát nhạc truyền thống tuyển sinh theo đề án của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã làm. Chỉ khác là các em học sinh đó lại được miễn học phí, có chỗ ăn ở miễn phí. Nhưng theo NSND Thanh Ngoan, dù đã được miễn phí hoàn toàn nhưng việc chiêu sinh này cũng không hề đơn giản bởi hiện nay có nhiều bậc phụ huynh gay gắt ngăn cản con theo con đường nghệ thuật .

Từ thực tế đáng lo ngại đó, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phải có sự phối kết hợp để đưa ra một phương án chung nhằm hỗ trợ, ưu đãi các em học viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống - cổ điển.

Trước mắt, việc miễn 100% học phí cho các học viên theo học các ngành này là việc nên triểu khai sớm. Sau đó, những ưu đãi học bổng, cam kết về cơ hội làm việc... cũng cần được tính đến như một chiến lược "hút" học viên một cách lâu dài...

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/kho-tuyen-sinh-cac-khoi-van-hoa-nghe-thuat-cach-nao-de-kich-cau-585618/