Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong'. Thấm nhuần lời dạy của Người, cả hệ thống chính trị huyện Nghĩa Hành đã kiên trì, nỗ lực vận động nhân dân thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đi qua 6 xã của huyện Nghĩa Hành, gồm: Hành Thuận, Hành Dũng, Hành Minh, Hành Đức, Hành Phước, Hành Thịnh, với tổng diện tích quy hoạch thu hồi hơn 183ha; diện tích tuyến đường chính gần 142ha. Có 1.919 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng; trong đó, có 256 hộ tái định cư (TĐC), 63 hộ không TĐC và 1.600 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Xây dựng 6 khu TĐC với tổng diện tích TĐC hơn 41ha/782 lô và hiện đã bố trí TĐC 267 lô. Ngày 22/6/2024, huyện Nghĩa Hành đã bàn giao 100% mặt bằng tuyến chính (17,34km) cho chủ đầu tư.
Người dân đồng thuận
Nắng như đổ lửa, nhưng dọc tuyến đường ĐT628, đoạn qua thôn Tình Phú Nam (Hành Minh), hàng chục tốp công nhân cùng các phương tiện đang tiếp cận mặt bằng để san đất, chuyển vật liệu triển khai thi công. Bà Trần Thị Mỹ Lan, ở thôn Tình Phú Nam cho biết, vị trí đó trước đây là đất của gia đình chúng tôi, nơi có 6 căn nhà của cha mẹ và anh, chị, em đã ở cạnh nhau, gắn bó gần 30 năm qua. Khi biết mảnh đất ấy thuộc diện thu hồi để phục vụ làm cao tốc (diện tích hơn 3.518m2, trong đó có 600m2 đất ở), gia đình tôi băn khoăn nhiều lắm, phần vì chưa thỏa mãn với phương án TĐC, cũng không nỡ rời xa nơi chôn nhau cắt rốn. Tuy nhiên, với sự động viên, giải thích cùng cách giải quyết thấu tình đạt lý của chính quyền các cấp, gia đình tôi cũng thống nhất, tự nguyện tháo dỡ nhà ở và cây cối, hoa màu để bàn giao mặt bằng, góp sức để công trình sớm hoàn thành.
Còn bà Nguyễn Thị Ngà, cùng ở thôn Tình Phú Nam cho hay, khi hay tin hơn 2.700m2 đất và nhà thuộc diện thu hồi phục vụ xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, tôi lo vì tuổi già, không có thu nhập ổn định mà phải di dời đến nơi ở mới, trong khi chính sách TĐC chưa thỏa đáng. Qua những lần gặp gỡ, đối thoại, tôi mong chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết TĐC tương xứng, để gia đình bớt thiệt thòi. Thấu hiểu âu lo cũng như nỗi niềm ấy, các cấp chính quyền đã động viên và giải quyết kịp thời, giúp tôi yên tâm chuyển về nơi ở mới. Đầu tháng 7 tới, tôi sẽ khởi công làm nhà tại Khu TĐC Đồng Giá, cùng con cháu gầy dựng cuộc sống mới.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hành Minh Nguyễn Thị Nhật Lệ chia sẻ, sự đồng thuận của gia đình bà Lan, bà Ngà - những hộ đã chấp nhận một phần thiệt thòi, sẵn sàng dỡ nhà, giao đất để mở đường, đã tạo sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến một số trường hợp lâu nay không đồng tình với chính sách di dời, TĐC. Trường hợp cuối cùng trên địa bàn xã Hành Minh thống nhất bàn giao mặt bằng và tháo dỡ nhà cửa là vào chiều tối 19/6/2024, qua đó đảm bảo 100% mặt bằng tuyến chính cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đoạn qua địa bàn huyện Nghĩa Hành được giải phóng. “Quả ngọt” này là minh chứng cho sự nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn trong 18 tháng qua, kể từ khi cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn bắt đầu khởi công (ngày 1/1/2023).
Chính quyền quyết tâm
Xác định công tác bồi thường, GPMB là nhiệm vụ khó khăn nên bên cạnh việc công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến chính sách đền bù, TĐC thì ngay từ khi triển khai thực hiện dự án, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thành lập các tổ, phân công các thành viên đến tận thôn, xóm, khu dân cư để tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong dân.
Bí thư Đảng ủy xã Hành Phước Võ Công Thành cho biết, mỗi thành viên, cán bộ, công chức đều ý thức được trách nhiệm của mình với dự án trọng điểm, nên dù khối lượng công việc nhiều, phải làm việc từ sáng đến đêm khuya, kể cả ngày nghỉ nhưng chẳng ai nề hà. Bởi, ai cũng biết công sức ấy chẳng là gì so với những lo toan, thiệt thòi của người dân đã nhường đất, dỡ nhà để mở cao tốc. Vậy nên, công tác dân vận cũng được xã, thôn linh hoạt thực hiện theo từng trường hợp, tình huống cụ thể. Đặc biệt, xã quán triệt đảng viên cần làm gương để vận động người dân làm theo.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm, dẫu có những thiệt thòi nhất định, nhưng hầu hết người dân tại các địa phương có dự án đi qua đều ủng hộ và đồng thuận bàn giao mặt bằng. Đối với những trường hợp còn băn khoăn về giá bồi thường, chính sách TĐC, huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện song song 2 nhiệm vụ, đó là vừa vận động, giải thích, vừa tập trung xác minh thông tin liên quan đến nguồn gốc đất, hiện trạng nhà ở, vật kiến trúc... Sau đó trình Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể đảm bảo đúng quy định, hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
"Công tác bồi thường, GPMB là nhiệm vụ khó khăn và nặng nề, do việc xác định các thông tin liên quan đến nguồn gốc đất đai, tài sản trên đất... rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Do đó, các phương án bồi thường GPMB phải được thực hiện bài bản, đúng quy định hiện hành, không thể vì áp lực tiến độ mà để xảy ra sai sót, hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong vùng dự án. Thành quả lớn nhất của huyện Nghĩa Hành không chỉ là bàn giao 100% mặt bằng trên thực địa trước kế hoạch, mà không có trường hợp nào phải thực hiện cưỡng chế thu hồi đất. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đồng thuận, chia sẻ và cả sự hy sinh của người dân; cùng sự nỗ lực, trách nhiệm và quyết tâm của hệ thống chính trị huyện Nghĩa Hành đối với công trình trọng điểm quốc gia”.
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành
TRẦN ĐÌNH CẢM
Riêng một số trường hợp vượt thẩm quyền, huyện báo cáo tỉnh chỉ đạo tháo gỡ kịp thời. Điển hình là hộ ông Nguyễn Chánh, ở thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh. Từ kết quả xác minh nguồn gốc, thực tiễn, hiện trạng sử dụng đất cũng như tâm tư, nguyện vọng của gia đình ông Chánh, đầu tháng 5/2024, huyện Nghĩa Hành báo cáo, tham mưu tỉnh hướng giải quyết. Trên cơ sở Kết luận số 2333-KL/TU ngày 31/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Nghĩa Hành tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại liên quan đến trường hợp gia đình ông Chánh. Đến giữa tháng 6/2024, gia đình ông Chánh đồng thuận với chính sách TĐC, tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng.
Tuy đã bàn giao 100% mặt bằng tuyến chính cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhưng khối lượng công việc còn lại khá lớn; trong đó, có đảm bảo an sinh đối với các trường hợp phải di chuyển chỗ ở, nhường đất, nhường nhà phục vụ xây dựng công trình. Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, huyện chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan huy động các lực lượng hỗ trợ người dân trong quá trình xây dựng cũng như di chuyển tài sản, vật dụng về nhà mới; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân đã nhận đất TĐC, để người dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân cũng như giải quyết những phát sinh liên quan đến dự án, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: MỸ HOA