Khổ vì bị nợ lương, bảo hiểm
Theo BHXH tỉnh Quảng Ngãi, hàng ngàn người lao động (NLĐ) trên địa bàn đang chịu nhiều thiệt thòi vì bị các chủ doanh nghiệp (DN) nợ lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… với số tiền lên đến 193 tỉ đồng.
Tại Công ty CP Licogi Quảng Ngãi (thuộc Tổng Công ty Licogi; đường Hai Bà Trưng, TP Quảng Ngãi) liên tục trong thời gian qua, NLĐ kéo đến trụ sở công ty treo băng rôn, yêu cầu chi trả nợ lương, BHXH. Ông Nguyễn Cao Tính (ngụ thôn Thế Long, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) cho biết đã làm việc ở Nhà máy Gạch Phong Niên (thuộc Công ty CP Licogi Quảng Ngãi) từ năm 1994.
Đến tháng 10-2020, khi bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng, ông Tính lâm vào cảnh thất nghiệp. Đến nay công ty vẫn không chi trả 97 triệu đồng nợ lương, trợ cấp thôi việc cho ông. "Không riêng tôi, mà có hàng trăm người từng làm việc ở đây cũng bị nợ. Dù nhiều lần chúng tôi yêu cầu thanh toán nhưng công ty cứ chây ì" - ông Tính bức xúc.
Hiện Công ty CP Licogi Quảng Ngãi nợ lương NLĐ gần 8 tỉ đồng, nợ BHXH 7,5 tỉ đồng. Trong suốt hơn 4 năm qua, dù các cơ quan chức năng tỉnh đã có những động thái quyết liệt nhằm giúp NLĐ, song công ty này vẫn né tránh trả lương, BHXH… cho NLĐ với lý do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, bà Đặng Thị Hiền (ngụ phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) cho biết đã làm việc tại chi nhánh Công ty Xây dựng Công trình giao thông 586 - Xí nghiệp Xây dựng công trình 5 (phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) hơn 16 năm. Đến năm 2015, chi nhánh giải thể nhưng bà Hiền chỉ được đóng BHXH đến năm 2008, tức bà chỉ được đóng 9 năm và có 7 năm bị đứt quãng, chưa được công ty đóng BHXH. "Tôi có khiếu nại đến cơ quan BHXH và được trả lời do công ty còn nợ BHXH nên không thể giải quyết BHXH một lần" - bà Hiền nói.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Ngãi, tính đến cuối tháng 9-2023, toàn tỉnh có 2.586 đơn vị chậm đóng BHXH, gây nợ đọng kéo dài với tổng số tiền 193 tỉ đồng. Con số này so với những năm trước và so với cả nước đều tăng cao. Riêng so với cùng kỳ năm 2022, tăng khoảng 30%. Trong đó, nợ từ 3 đến 36 tháng có 2.215 đơn vị. Nợ từ 36 tháng trở lên có 75 đơn vị. Nợ do đơn vị phá sản, bỏ trốn gần 300 đơn vị với số tiền khoảng 58 tỉ đồng.
Ông Trương Quang Hùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nợ đọng BHXH tập trung nhiều ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Ngành cũng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, có kết luận gửi hồ sơ đến công an nhưng quá trình thụ lý hồ sơ khởi kiện gặp nhiều khó khăn, dẫn đến các cấp ngành vướng nhiều cơ chế pháp lý nên NLĐ không thể ủy quyền cho tổ chức Công đoàn ở nơi họ làm việc đứng ra khởi kiện chủ doanh nghiệp.
"BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tập trung phối hợp với các ban, ngành tổ chức thu và truy thu nợ đọng BHXH... Đơn vị nào nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, BHXH tỉnh sẽ lập danh sách chuyển đến Cục Thuế tỉnh truy thu, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, sẽ đề xuất các ngân hàng không cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nợ BHXH, không cho tham gia đấu thầu các công trình do ngân sách nhà nước đầu tư; cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ BHXH từ 9 tháng trở lên... Biện pháp cuối cùng là khởi kiện ra tòa" - ông Hùng nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/kho-vi-bi-no-luong-bao-hiem-20231101201041522.htm