Khó xử lý chất thải chăn nuôi
ĐBP - Ngành chăn nuôi của tỉnh những năm gần đây có sự phát triển đáng kể, sản phẩm chăn nuôi từng bước đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho người dân. Cùng với tốc độ tăng trưởng, vấn đề đặt ra hiện nay là xử lý chất thải chăn nuôi khi mỗi năm tổng số chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát thải khoảng 2.620.688 tấn. Phần lớn chất thải chăn nuôi được sử dụng làm phân bón, song trước khi đưa vào sử dụng việc xử lý chất thải chưa triệt để, ảnh hưởng đến môi trường.
Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Phú Ðỏ (xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) xử lý chất thải áp dụng theo phương pháp sinh học.
Tại các cơ sở chăn nuôi, chất thải rắn (lông, phân, rác, thức ăn thừa), chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, vệ sinh máng ăn uống, nước tắm rửa cho gia súc) là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Chất thải chăn nuôi không được thu gom, xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng đến môi trường không khí, đất và nước. Trong khi đó, hiện nay phương thức chăn nuôi chủ yếu vẫn là phân tán, nhỏ lẻ ở các hộ dân với quy mô 1- 3 con trâu bò, 3 - 7 con lợn hay 15-20 con gia cầm/hộ. Với nền kinh tế nông nghiệp, chất thải chăn nuôi chủ yếu được chuyển từ chuồng nuôi ra ngoài ruộng, vườn bón cho cây trồng, số lượng được xử lý rất ít. Còn với các cơ sở chăn nuôi có quy mô trang trại, một số đã xử lý chất thải áp dụng theo phương pháp sinh học (biogas, ủ). Ðiển hình như: Trang trại của anh Nguyễn Văn Tuấn (đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên) quy mô 400 con lợn, hoạt động theo quy trình khép kín với hệ thống 2 hầm biogas; trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Phú Ðỏ (xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) xử lý chất thải áp dụng theo phương pháp sinh học (biogas, ủ)… Song vẫn có một số cơ sở xả thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước rồi đưa ra kênh, mương. Ðiều này dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, làm phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi, gây mất an toàn thực phẩm và có nguy cơ lây nhiễm sang người.
Trước thực trạng đó, hàng năm tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường nói chung, xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng như: Bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, chăn nuôi; tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức cho cộng đồng...
Trên thực tế, để xây dựng được một bãi chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh, đầy đủ các bước từ san lấp, khử trùng, xử lý nước rỉ và các biện pháp kĩ thuật khác đạt yêu cầu đòi hỏi nhiều kinh phí. Hiện nay, mặc dù quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường song việc quản lý chất thải chăn nuôi đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường. Trong khi đó, ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chăn nuôi theo hình thức chăn thả, nhốt vật nuôi dưới gầm sàn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như công tác bảo đảm vệ sinh môi trường. Ðể quản lý hiệu quả hơn chất thải trong chăn nuôi, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hợp tác chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, ưu tiên công nghệ xử lý, chế biến chất thải thành phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.