Khó xử lý dứt điểm xe tự chế
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra liên quan đến xe ba gác tự chế. Đa số loại xe này đều không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, lại chở hàng hóa cồng kềnh, dài và sắc nhọn gây mất an toàn giao thông. Nhiều người thừa nhận, dù biết đây là loại xe vi phạm luật an toàn giao thông, song vì mưu sinh, họ vẫn... làm liều.
Hiểm họa khôn lường
Trong số các xe tự chế ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp còn có xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy kéo theo xe đẩy… trong đó có nhiều xe ba bánh tự chế “núp bóng” xe thương binh chở hàng cồng kềnh, sắc nhọn tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Theo thống kê của Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) quốc gia, năm 2023, cả nước đã xảy ra hơn 1.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe tự chế gây ra, làm chết hơn 500 người và bị thương hơn 1.000 người.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, loại phương tiện này đã gây ra 9 vụ TNGT làm 2 người chết. Mới đây, tại đợt cao điểm tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm xe cơ giới, xe ba, bốn bánh, xe quá khổ… trong hơn 3 tháng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) TPHCM phát hiện hơn 1.700 xe ba bánh vi phạm chở hàng cồng kềnh và kéo theo vật khác. Theo ông Nguyễn Thành Lợi- Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban ATGT TPHCM, đây là loại phương tiện được nhiều người dân sử dụng để mưu sinh nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nguy cơ gây TNGT cao.
Tỉnh Nghệ An là địa phương có nhu cầu sử dụng xe tự chế để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp khá nhiều như: xe công nông, xe máy kéo nhỏ, xe thô sơ ba bánh... Theo ông Phan Huy Chương - Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban ATGT tỉnh Nghệ An, xe tự chế không chỉ xuất hiện trên một số tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn, miền núi của tỉnh mà còn xuất hiện cả ở TP Vinh và các huyện đồng bằng, vi phạm quy định ATGT và gây nhiều vụ TNGT thương tâm. Đau lòng nhất trong là vụ TNGT của vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh, 46 tuổi và chị Nguyễn Thị Tâm, 36 tuổi (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) lái xe máy gắn thùng xe kéo đã va chạm với máy cày khiến vợ chồng anh Ninh tử vong hồi đầu năm 2024.
Tại Hà Nội, con số được Sở Giao thông vận ước tính cho thấy, trong số gần 6.000 người sử dụng xe ba bánh trên địa bàn thành phố, chỉ khoảng 1.000 người là thương binh, bệnh binh và người khuyết tật, đối tượng khác là hơn 5.000 người. Ngoài ra còn nhiều xe hoạt động lén lút chưa thể thống kê. Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT-Công an TP Hà Nội cho biết, việc điều khiển xe ba bánh, xe tự chế lưu hành trên các tuyến phố và việc nhiều cá nhân, hội nhóm đăng tải công khai cho thuê, mua bán, sản xuất, nhận vận chuyển hàng hóa bằng xe ba bánh tự chế trên mạng xã hội là biểu hiện sự coi thường pháp luật. Hầu hết những xe này do cá nhân hộ kinh doanh lắp ráp sản xuất, không được kiểm định, gây ùn tắc, gây mất mĩ quan đô thị, gây nhiều vụ tai nạn đau lòng. Cụ thể, hồi tháng 1/2024, anh N.T.N. (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển xe máy trên đường Trịnh Văn Bô va chạm với một xe ba bánh không có biển số, kéo theo bó sắt dài khiến anh N. tử vong tại chỗ. Hay một phụ nữ 66 tuổi trong lúc đang ngồi chờ xe buýt tại Chương Mỹ (Hà Nội) bị xe chở tôn bất ngờ đứt dây chun, văng trúng cổ gây tử vong... Đó chỉ là số ít trong hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng do xe tự chế gây nên.
Sinh mạng con người là số 1
Dù biết đây là phương tiện bị cấm lưu hành, nhưng anh Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chọn xe ba bánh tự chế như một phương tiện mưu sinh. Với một chiếc xe máy cũ gắn một thùng xe ở cơ sở hàn xì với giá hơn 10 triệu có thể chở được hàng hóa cồng kềnh, vào những con hẻm nhỏ, linh hoạt, anh Hùng có thể kiếm được 500.000-600.000 đồng/ngày. “Chúng tôi hiểu rõ mối nguy hiểm và sự vi phạm pháp luật khi sử dụng xe tự chế, nhưng không có lựa chọn khác khi chi phí cho loại xe tải nhỏ là quá lớn” - anh Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban ATGT TPHCM: “Trong kế hoạch chúng tôi cũng đã có các đề xuất của các sở, ngành có liên quan tham mưu với thành phố các biện pháp để hỗ trợ những trường hợp bị ảnh hưởng bởi việc xử lý này. Đặc biệt là những trường hợp có nguyện vọng chính đáng chuyển đổi ngành nghề kinh doanh”.
Còn Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, việc xử lý xe ba bánh tự chế thường gặp khó khăn khi lực lượng CSGT còn mỏng, chủ phương tiện vẫn cố tình chống đối… Trước tình hình đó, CSGT TP Hà Nội đã tham mưu cho Công an TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 51 ngày 14/3/2024 về tổng điều tra cơ bản, tuyên truyền, vận động và kiểm tra xử lý người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác. Việc này được duy trì thường xuyên, kết quả xử lý cao và đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả mới nhất từ ngày 15/10 đến 14/11/2024, CSGT TP Hà Nội đã vận động 225 trường hợp tự tiêu hủy hoặc giao nộp phương tiện; xử lý 879 trường hợp (480 trường hợp xe ba, bốn bánh tự chế; 244 trường hợp xe mô tô vi phạm chở hàng cồng kềnh, 155 trường hợp kéo theo xe khác, vật khác), tạm giữ 502 phương tiện. Giải pháp sắp tới vẫn là xử lý nghiêm kết hợp tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của chủ phương tiện, chủ thuê mướn, chủ cơ sở chế tạo về hiểm họa của xe ba bánh tự chế không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật… để họ tự nguyện tìm phương tiện hoặc việc làm phù hợp. Việc này cần có lộ trình và cần có sự kết hợp giữa nhiều bộ, ngành.
Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, hiểm họa từ xe ba bánh, xe tự chế là khôn lường. Tuy nhiên để cấm hoàn toàn loại xe này là khó, cần có lộ trình. Khó ở chỗ, nếu cấm thì phải cấm hẳn, không thể cấm chỗ này nhưng cho hoạt động ở chỗ khác. Nếu cấm hẳn thì phải nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi sinh kế. “Trước mắt ngoài việc xử lý theo quy định thì vận động chủ phương tiện tự giác chuyển đổi sang phương tiện an toàn hơn, không chở hàng cồng kềnh, sắc nhọn, đi đúng làn đường quy định, bảo hộ an toàn hàng hóa khi lưu thông. Bên cạnh đó nên có chế tài xử lý các cơ sở kinh doanh thuê mướn các phương tiện vận tải không đảm bảo, xử lý các xưởng cơ khí lắp ráp xe tự chế”- ông Liên đề xuất.
Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, do mức xử phạt còn thấp (phạt tiền từ 800.000-1.000.000 đồng, có thể áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng). Xử nghiêm, dứt điểm những xe ba bánh chở hàng cồng kềnh, sắc nhọn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Sinh mạng của con người là số 1, không thể vì lý do sinh kế mà coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng của người khác. Ngoài ra, có thể nghiên cứu một số loại xe ba bánh đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật được phép vận chuyển hàng hóa đúng quy cách trong phạm vi và thời gian nhất định, phải kiểm định xe, kiểm tra sức khỏe tài xế...” - ông Tạo nói.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội):
Cần có chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi phương tiện
Về nguyên tắc, xe lưu thông trên đường phải chấp hành luật lệ giao thông. Cho nên xe ba gác hay xe tự chế khi tham gia giao thông điều đầu tiên là chấp hành luật lệ giao thông.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng xe ba gác, xe tự chế còn là vấn đề sinh kế, nhất là người lao động nghèo. Vì vậy chính quyền địa phương có thể xem xét có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho họ có thể đổi sang xe khác để họ có thể có công ăn việc làm mưu sinh. Bên cạnh đó cần truyền thông giáo dục để người dân đảm bảo an toàn trong tham gia giao thông bởi xe tự chế nghĩa là phải “độ xe”; cũng như chấp hành mọi quy định của pháp luật về giao thông khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phố.
ĐBQH Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị):
Đảm bảo an toàn mới cho lưu thông
Hiện nay xe ba gác, tự chế, quá khổ quá tải đang được giao cho lực lượng công an xử lý. Tuy nhiên, cũng phải hiểu thực tại khi tại các thành phố lớn, các loại xe này lại là miếng cơm, manh áo của những người lao động. Nếu xử lý thu gom xe vi phạm sẽ ảnh hưởng lớn, tốn diện tích vì phải có các bãi tạm giữ xe vi phạm. Cần giải pháp để làm sao xe ba gác, xe tự chế vừa là phương tiện lao động nhưng cũng phải đảm bảo được độ an toàn, đó mới là vấn đề quan trọng. Do đó, cần siết chặt ngay từ đầu, tức là nếu cho loại phương tiện này lưu thông thì phải đảm bảo các quy định, các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật về độ an toàn. Cần rà soát để có phương án xử lý phù hợp. Nếu chúng ta thực sự vào cuộc thì sẽ làm được.
V.Thắng (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kho-xu-ly-dut-diem-xe-tu-che-10295674.html