'Khóa chặt' tuyến biên giới, trấn áp tội phạm mua bán người
Tình hình tội phạm mua bán người trên cả 4 tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia và tuyến biển phía Nam có những diễn biến phức tạp. Các đối tượng tội phạm tìm mọi phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Nạn nhân hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê...
Để đấu tranh với tội phạm mua bán người, từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn đang phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều kế hoạch nhằm tấn công, trấn áp loại tội phạm này.
Những diễn biến phức tạp
Khoảng 13 giờ ngày 12/2/2023, tại khu vực mốc 614 thuộc xóm Tềnh Quốc, xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, Đồn Biên phòng Cần Yên phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng và Công an xã Cần Nông, huyện Hà Quảng phát hiện, bắt giữ bốn đối tượng, gồm: Phùng Lệ và Doãn Hiểu Long (người Trung Quốc) và hai đối tượng người Việt tên Lê Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1999) và Phạm Thành Sinh (sinh năm1986), cùng trú tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, đang có hành vi đưa một bé trai sơ sinh (15 ngày tuổi) xuất cảnh trái phép.
Quá trình điều tra, các đối tượng khai nhận, vào ngày 3/2, Phùng Lệ được một công ty môi giới tại Trung Quốc thuê với tiền công 20.000 nhân dân tệ (khoảng 65 triệu đồng), chưa bao gồm chi phí khác để đến Việt Nam tìm một đứa trẻ. Đứa trẻ này do một cặp vợ chồng người Trung Quốc thuê một người phụ nữ Việt Nam là Huỳnh Thị Ngọc Nh (sinh năm 1991), trú tại Thành phố Hồ Chí Minh mang thai hộ. Phùng Lệ đã thuê Doãn Hiểu Long cùng nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tại đây, Phùng Lệ tiếp tục thuê Mỹ Lệ với vai trò là người dẫn đường, phiên dịch và cùng với Doãn Hiểu Long đóng giả làm bố, mẹ cháu bé nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. Sau khi đón được cháu bé, Lê Thị Mỹ Lệ đã thuê Phạm Thành Sinh và hai đối tượng khác sử dụng ôtô đưa cả nhóm lên biên giới Cao Bằng. Các đối tượng khi đang đưa cháu bé vượt biên giới sang Trung Quốc đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.
Tiếp tục mở rộng điều tra, Ban Chuyên án bắt giữ thêm hai đối tượng có liên quan là Lý Thị Anh Thư (sinh năm 1992, trú tại tỉnh Trà Vinh) và Lê Thị Thanh (sinh năm 1995, trú tại tỉnh Lâm Đồng). Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Đồn Biên phòng Cần Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Sau đó, Bộ đội Biên phòng đã bàn giao hồ sơ, đối tượng và tang vật cho Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật…
Trước đó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) nhận được đơn tố cáo của chị H, trú tại huyện Kỳ Sơn về việc bị một số đối tượng lừa bán ra nước ngoài. Ngay sau đó, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn đã tập trung điều tra làm rõ. Kẻ chủ mưu trong đường dây nhanh chóng được xác định là Kha Thị Vân, quê ở huyện Con Cuông (Nghệ An) hiện trốn ở nước ngoài. Đối tượng Lê Thị Ngọc trú tại huyện Kỳ Sơn là người dắt mối và Lô Văn Cầu- chú ruột của Ngọc, trú tại huyện Tương Dương (Nghệ An) là đối tượng chuyển giao nạn nhân. Qua đấu tranh, các đối tượng Lê Thị Ngọc và Lô Văn Cầu đã thừa nhận hành vi mua bán người qua biên giới…
Đây chỉ là hai trong nhiều vụ án về mua bán người mà lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn biên giới phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua. Tại hai tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến do người nước ngoài làm chủ nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng và mua bán ma túy gia tăng và rất nghiêm trọng.
Trong hàng ngàn người Việt Nam làm việc tại các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến ở Campuchia, nhiều trường hợp bị dụ dỗ, lừa gạt đã xuất nhập cảnh trái phép, bị cưỡng bức làm việc, nếu muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc rất cao, từ 100 - 150 triệu đồng. Tại Lào, tình hình mua bán người từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, có chiều hướng gia tăng tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng ở tỉnh Bò - Kẹo, Lào. Đây là nơi có quy mô rất lớn, giáp khu "Tam giác vàng".
Trên tuyến biển, nhất là các tỉnh phía Nam, các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển cũng gia tăng. Hoạt động mua bán người sang các nước châu Âu... lao động trái phép vẫn diễn ra. Tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên nhằm mục đích bóc lột tình dục trong nước diễn biến phức tạp.
Chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp
Nhận định về diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) cho hay: Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...
"Thủ đoạn của các đối tượng có hành vi mua bán người đều được thực hiện thông qua các tài khoản mạng xã hội nên rất khó thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng. Bên cạnh đó, các loại tội phạm "nguồn" của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ với mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người cũng có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người", Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh cho biết.
Theo Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an: Hai đơn vị đã thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng điểm, trọng yếu, các địa bàn, khu vực tuyển mộ, tập kết, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân, chủ động phát hiện, đấu tranh, trấn áp quyết liệt, không để tội phạm mua bán người cấu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia, từ đó, giúp đề ra các phương án đấu tranh, triệt phá và điều tra, xử lý đạt hiệu quả cao nhất.
Báo cáo mới đây của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đã cho thấy, từ tháng 6 năm 2022 đến nay, các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp đấu tranh hàng chục chuyên án, phát hiện, điều tra, xử lý 65 vụ với 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân; đang điều tra, xác minh 57 vụ với 86 đối tượng nghi vấn mua bán 164 người.
Đặc biệt, từ tháng 7 đến tháng 9/2022, các đơn vị Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, điều tra 24 vụ với 17 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ 52 nạn nhân, tăng 13 vụ, 4 đối tượng và 30 nạn nhân so với cao điểm năm 2021.
Theo Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, dự báo thời gian tới, tình hình mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong công tác phối hợp, hai lực lượng sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên công tác trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp. Hai bên tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung nhóm có nguy cơ cao, quyết không để tội phạm mua bán người câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.
Đồng thời, hai lực lượng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về; tổ chức điều tra để tạo nguồn xác lập chuyên án chung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người. Hai bên phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, đặc biệt là lực lượng Công an cơ sở và các đồn Biên phòng tại các tuyến, địa bàn trọng điểm...