Khoa học cơ bản bảo đảm phát triển bền vững

Các chuyên gia khẳng định, với các nước đang phát triển như Việt Nam, quan tâm, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản là đầu tư cho nền KHCN tương lai nước nhà.

Theo các nhà khoa học, những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, thiên tai không thể giải quyết nếu thiếu sự đóng góp của khoa học cơ bản. Từ mô hình dự báo khí hậu đến công nghệ vật liệu tiên tiến cho pin nhiên liệu, từ AI trong dự báo thời tiết đến cơ sở dữ liệu lớn phục vụ cảnh báo sớm – tất cả đều cần sự đầu tư bền vững cho nghiên cứu khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Các nhà khoa học, đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Mai Loan.

Các nhà khoa học, đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Mai Loan.

Nhấn mạnh vai trò kiến tạo của khoa học cơ bản trong hoạch định chính sách, phát triển công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng xanh – nền tảng cho sự phát triển bền vững trong thế kỷ XXI, các chuyên gia đã đưa những đề xuất, giải pháp.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo thiên tai

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trước thực tế đó, khoa học khí tượng thủy văn cần được phát triển như một nền tảng vững chắc cho công tác dự báo, cảnh báo sớm và ứng phó thiên tai.

 PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu. Ảnh: Mai Loan.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi Khí hậu. Ảnh: Mai Loan.

Hiện nay, chất lượng dự báo mưa lớn, dông lốc, lũ quét vẫn còn nhiều bất cập. Bản đồ cảnh báo chi tiết còn thiếu, hệ thống quan trắc tuy đang mở rộng nhưng chưa bao phủ đầy đủ và thiếu đồng bộ về chất lượng dữ liệu. Đồng thời, nguồn nhân lực khoa học công nghệ chuyên sâu về AI, dữ liệu lớn và các mô hình dự báo hiện đại còn hạn chế.

Những năm gần đây, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (VKTTVBĐKH) đang tích cực hiện đại hóa bằng cách áp dụng công nghệ mới như AI và dữ liệu lớn để cải thiện dự báo, đồng thời chuyển đổi số toàn diện. Viện cũng hướng tới xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ khí tượng thủy văn mở, hỗ trợ đa ngành (đặc biệt là nông nghiệp) thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo thêm giá trị. Song song đó, Viện đang cải cách cơ chế tài chính và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khí hậu.

Để phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn, bà Ngà đề xuất định hướng phát triển ngành KTTV theo hướng hiện đại, số hóa, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn, kết hợp nâng cấp hạ tầng máy tính hiệu năng cao (HPC) và mở rộng hợp tác công – tư, quốc tế. Đặc biệt, cần hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành mạnh, đồng thời tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng làm chủ công nghệ và phương pháp mới.

Đầu tư cho khoa học khí tượng thủy văn chính là đầu tư cho phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và khả năng thích ứng chủ động của Việt Nam với biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Hydro xanh – năng lượng của tương lai

Bàn về ”Hydro xanh: năng lượng của tương lai”, PGS.TS Đoàn Đình Phương (Viện Khoa học Vật liệu) chỉ ra vai trò của hydro – đặc biệt là hydro xanh – như một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái năng lượng không phát thải CO₂. Theo ông, việc chuyển đổi năng lượng toàn cầu để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là không thể thiếu sự tham gia của hydro.

 PGS.TS Đoàn Đình Phương (Viện Khoa học Vật liệu). Ảnh: Mai Loan.

PGS.TS Đoàn Đình Phương (Viện Khoa học Vật liệu). Ảnh: Mai Loan.

Hydro có khả năng lưu trữ năng lượng tái tạo quy mô lớn, khắc phục tính bất ổn của điện gió, điện mặt trời – những nguồn phụ thuộc vào thời tiết và chu kỳ ngày đêm. Các công nghệ sản xuất hydro từ điện phân nước, đặc biệt là bằng màng trao đổi proton (PEM), cho phép kết hợp trực tiếp với điện tái tạo để tạo ra nguồn năng lượng sạch.

Viện Khoa học Vật liệu hiện đã chế tạo thành công bộ điện phân PEM công suất 250–350 lít/giờ, pin nhiên liệu hydro 500–1000W, và vật liệu lưu trữ hydro rắn an toàn cho ứng dụng giao thông. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình trạm năng lượng hydro khép kín: sử dụng năng lượng mặt trời để điện phân nước, lưu trữ hydro bằng khí nén và phát điện bằng pin nhiên liệu.

 PGS. TS. Đinh Văn Trung (Viện trưởng Viện Vật lý).

PGS. TS. Đinh Văn Trung (Viện trưởng Viện Vật lý).

PGS.TS Đoàn Đình Phương khẳng định: “Hydro xanh là phương tiện quan trọng để lưu trữ năng lượng tái tạo và giảm phát thải CO₂ trong dài hạn. Việc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng hydro sẽ góp phần quan trọng vào chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững quốc gia”.

Tọa đàm “Khoa học cơ bản cho phát triển bền vững” do Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Toán học tổ chức Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tại tọa đàm, PGS. TS. Đinh Văn Trung (Viện trưởng Viện Vật lý) khẳng định, muốn phát triển bền vững thì phải chú trọng khoa học cơ bản. Tuy nhiên thực tế, nhiều quốc gia và nhà khoa học thường chọn nghiên cứu ứng dụng bởi lĩnh vực này có thể thấy ngay thành quả.

“Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản cũng là đầu tư cho tương lai của nền khoa học - công nghệ nước nhà, góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao ở tuyến đầu của tri thức, đặc biệt là bậc sau đại học”, ông Trung nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Văn Trung cho hay, nghiên cứu cơ bản cần thời gian dài mà lại khó hơn, khi thành công thì mang lại lợi ích rất lớn. Ví dụ như nghiên cứu về công nghệ sinh học, biến đổi gen, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo... xuất phát từ khoa học cơ bản đã mang lại giá trị vô cùng. Tọa đàm này là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi và đề xuất hướng phát triển khoa học cơ bản nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bứt phá trong tương lai.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-co-ban-bao-dam-phat-trien-ben-vung-post1541977.html