Khoa học - công nghệ góp phần nâng tầm sản vật vùng cao Mù Cang Chải

Với sự vào cuộc của khoa học - công nghệ, trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải đã hình thành được nhiều sản vật đặc sắc, được nhân rộng trở thành hàng hóa và được nâng cao vị thế giá trị với việc xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Hoa hồng Mù Cang Chải có quy mô 55 ha tới đây sẽ được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Hoa hồng Mù Cang Chải có quy mô 55 ha tới đây sẽ được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

>> Yên Bái ứng dụng khoa học công nghệ phát triển thương hiệu cho nông sản

Phải kể đến thành quả đầu tiên của khoa học - công nghệ là đưa tập đoàn cây ăn quả ôn đới: đào, lê, mận, hồng… trồng thử nghiệm ở huyện vùng cao này. Từ vài héc - ta, đến nay, huyện Mù Cang Chải đã phát triển nhân rộng tạo vùng hàng hóa lên tới 30 ha hồng giòn, gần 50 ha lê, 10 ha đào chín sớm… hứa hẹn trở thành một sản phẩm nông sản đặc sản cho du khách khi đến tham quan du lịch. Nhiều đồng bào Mông nơi đây cũng vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ những trái ngọt ấy.

Ông Thào Nhà Của, xã Nậm Khắt chia sẻ: "80 cây hồng giòn trung bình mỗi năm cho thu trên 50 triệu đồng. Toàn bộ chỗ này là lãi vì hầu như cây này không cần chi phí nhiều, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh hại. Hơn nữa, chẳng cần mang đi bán vì khi gần chín đã có người đến đặt hàng”.

Ngoài ra, việc xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng giúp sản vật của địa phương nâng cao giá trị, vị thế trên thị trường. Từ khi được xác lập chỉ dẫn địa lý, sản phẩm "Mật ong Mù Cang Chải” ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Để được xác lập chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cần có đặc thù của khu vực địa lý mà không phải nơi nào cũng có để tạo nét đặc trưng như: địa hình, khí hậu, nhiệt độ, lượng mưa hay thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây nguồn mật đặc trưng: blong song, màng mủ, đào, mận, thảo quả, sơn tra...

>> Yên Bái xác lập quyền nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm nông sản

Cũng từ đây, người dân đã tận dụng thế mạnh địa phương kết hợp với kinh nghiệm nuôi ong mật truyền thống bằng giống ong địa phương, phương thức nuôi ong trong rừng tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh… để tạo nên chất lượng đặc thù cho sản phẩm mật ong Mù Cang Chải. Nhờ đó, toàn huyện hiện đã phát triển trên 6.200 tổ ong, hàng năm bán ra thị trường hàng chục nghìn lít mật, mang về doanh thu khoảng 15 tỷ đồng.

Tương tự, nhãn hiệu chứng nhận gà xương đen Mù Cang Chải cũng đã hình thành cho huyện một sản vật có dấu hiệu nhận diện, truy xuất nguồn gốc với công nghệ tem QR Code được thiết kế dưới dạng thẻ đeo chân. Giá bán các sản phẩm gà đen, mật ong Mù Cang Chải cũng được tăng lên 15 - 20%, được nhiều thị trường ưa chuộng.

Được biết, các sản phẩm "Rượu thóc La Pán Tẩn”, "Hoa hồng Mù Cang Chải” và "Chè Shan tuyết Púng Luông” cũng đang được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể vào cuối năm 2023, tiếp tục xây dựng thương hiệu cho nông đặc sản địa phương…

Hoài Anh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/297218/khoa-hoc---cong-nghe-gop-phan-nang-tam-san-vat-vung-cao-mu-cang-chai-.aspx