Đề nghị quan tâm phục hồi ngành nông nghiệp và du lịch sau bão số 3

Bộ KH&ĐT cho biết, ngành nông nghiệp và du lịch bị tác động bởi bão số 3 lâu hơn, khả năng phục hồi chậm hơn nên đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đối với 2 ngành này.

Bão số 3 làm giảm khoảng 0,75% tăng trưởng kinh tế cả nước

Chiều 7/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, nêu đánh giá hậu quả của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là cơn bão mạnh chưa từng có, gây thiệt hại rất lớn.

Mặc dù có nhiều nỗ lực phòng chống bão với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhưng thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã cho thấy tác động của nó rất ghê gớm. Có 318 người chết, 26 người mất tích và 1976 người bị thương.

Tính đến ngày 27/9/2024, ước tính thiệt hại khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng. Các công trình hạ tầng công cộng cũng như các hạ tầng lớn của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, như sập cầu Phong Châu, các hạ tầng, dịch vụ công cộng như về điện, nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện bị hư hại. Đây là thống kê sơ bộ về thiệt hại của cơn bão số 3 và hoàn lưu của nó gây ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá nhanh về tác động đến tăng trưởng kinh tế cả nước là làm giảm khoảng 0,75%.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ngay sau khi cơn bão qua, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời Bộ KH&ĐT cùng với các bộ ngành khẩn trương báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ ngay đối với những đối tượng bị ảnh hưởng sau bão .

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 với nội dung chính là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của nhân dân, đẩy mạnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh ở những vùng bị ảnh hưởng.

"Nghị quyết có 6 nội dung cơ bản và cũng đã thể hiện được tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về thứ tự ưu tiên trong các giải pháp, trong đó ưu tiên về con người, tính mạng con người, sức khỏe của con người được đặt lên hàng đầu. Cho nên, giải pháp đầu tiên là bảo vệ tính mạng, an toàn sức khỏe cho nhân dân, sau đó mới đến khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong Nghị quyết 143 cũng đã tập hợp các giải pháp, trong đó, các giải pháp hỗ trợ tập trung ở 2 khía cạnh là giải pháp về tài khóa và tiền tệ. Rất cảm ơn ngành tài chính và ngành ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp, ví dụ như cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay để phục hồi sản xuất.

Đối với tài chính cũng tiếp tục thực hiện các chính sách mà trước đây chúng ta đã áp dụng trong COVID-19, đó là chúng ta giãn, hoãn việc nộp thuế, phí, lệ phí để tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sớm phục phồi", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các công ty bảo hiểm cũng khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại để đền bù cho những hợp đồng bảo hiểm đối với những tài sản cũng như các doanh nghiệp, xí nghiệp bị ảnh hưởng bão lũ. Đấy là các chính sách tác động kịp thời, ngay lập tức để phục hồi sản xuất.

"Chúng tôi đã đi thực địa tại Hải Phòng và Quảng Ninh thì thấy rằng tại các khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ, các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất rất nhanh, chỉ sau khoảng hơn 1 tuần đã phục hồi.

Tuy nhiên, công nghiệp có thể phục hồi nhanh nhưng ngành nông nghiệp và du lịch thì bị tác động lâu hơn, khả năng phục hồi đòi hỏi phải lâu hơn. Nông nghiệp đặc biệt là giống cây, con cần phải thời gian dài ngày. Đối với du lịch, đặc biệt những nơi sử dụng các tài sản lớn như tàu thuyền, để phục hồi thì mất rất nhiều thời gian. Trong báo cáo Chính phủ lần này, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn đối với 2 ngành nông nghiệp và du lịch, các khu vực bị thiệt hại", ông Trần Quốc Phương nói thêm.

Theo số liệu sơ bộ đến nay, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho vay vốn khoảng 84,5 nghìn lượt đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão với tổng số tiền khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xuất cấp 432,6 tấn gạo để cứu đói, cũng như chi ngay từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương triển khai ngay hỗ trợ cho bà con.

Đồng thời, các nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp trong cả nước, cộng đồng xã hội đã quan tâm, ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt về cả tiền và hiện vật.

Giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% của cả năm

Đối với câu chuyện Bộ KH&ĐT đánh giá thiệt hại của bão là làm giảm 0,75 điểm% tốc độ tăng GDP mà tại sao tăng trưởng vẫn 7,4% của quý 3 và 6,82% của 9 tháng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lý giải: "Thiệt hại là chúng tôi đánh giá là sơ bộ, là đánh giá nhanh để báo cáo với Thủ tướng để có chỉ đạo kịp thời. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, nếu như không có bão xảy ra thì con số có thể còn cao hơn 7,4%.

Đối với mục tiêu tăng trưởng 7% thì theo kịch bản xây dựng với kết quả của quý 3 và 9 tháng thì Bộ KH&ĐT vẫn tiếp tục báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 7% của cả năm. Nếu có điều kiện thì có thể phấn đấu cao hơn 7%".

Quang cảnh buổi họp báo chiều 7/10.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 7/10.

Về giải pháp, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương có một điểm mà trong giải pháp chỉ đạo của Chính phủ là những địa phương không bị ảnh hưởng mà có tiềm năng tăng trưởng cao thì cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp lại các thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng.

"Trong báo cáo, chúng tôi đã kiến nghị với Thủ tướng có 2 địa bàn trọng điểm mà đạt tăng trưởng ở mức cao hơn thì sẽ tác động rất tốt đến tăng trưởng kinh tế của cả nước, đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là 2 đầu tàu, động lực chính của cả nước.

Với tinh thần như vậy, sắp tới đây Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, triển khai thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Đăng Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-nghi-quan-tam-phuc-hoi-nganh-nong-nghiep-va-du-lich-sau-bao-so-3-20241007185541446.htm