Khoa học công nghệ là 'tài nguyên chiến lược' của Petrovietnam

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhìn nhận, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang sở hữu 'tài nguyên chiến lược' mang tính nền tảng là khoa học công nghệ (KHCN) và tri thức. Đây là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và từng bước chuyển mình theo định danh mới của Tập đoàn.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh

PV: Trong chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, KHCN đã đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Petrovietnam, thưa ông?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Dầu khí - nền tảng của Petrovietnam là một trong những ngành ứng dụng KHCN sớm nhất Việt Nam. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước xác định từ sớm, thông qua hình thành đội ngũ nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ngành này đã sớm tiếp nhận KHCN tiên tiến trên thế giới từ Liên Xô (Nga) và các nước phát triển về dầu khí vào hình thành một lĩnh vực mới của Việt Nam tại thời điểm đó.

Bước đi đầu tiên từ những năm đầu khởi tạo, Việt Nam đã cử cán bộ sang các nước phát triển (Nga, Pháp, Hungary, Rumani…) để học tập, tiếp thu kỹ thuật địa chấn ghi số về nước, sau đó áp dụng vào tìm kiếm những cấu trúc có triển vọng khai thác một cách chính xác nhất.

Đảng, Nhà nước đã có tầm nhìn chủ trương, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ tâm huyết với nghề, đó là tiền đề để dầu khí phát triển xứng tầm với tiềm năng của Việt Nam và là nền tảng để Petrovietnam dịch chuyển thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam hiện nay. Điều này được chứng minh ở sự đóng góp vào tăng trưởng đất nước của Tập đoàn trong suốt thời gian dài, cao điểm nhất lên tới 25-30% tổng thu ngân sách cả nước.

Từ việc sớm áp dụng KHCN, Petrovietnam đã trải qua một quá trình tích lũy, hòa nhập với công nghệ tiên tiến thế giới và tìm cách vươn lên, đi trước. Đến nay, Petrovietnam đã kế thừa và phát triển nhiều thành tựu KHCN có đóng góp to lớn trong hoạt động của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, các thành tựu KHCN còn giúp Petrovietnam làm tốt vai trò bảo đảm an ninh năng lượng, xây dựng được tổ hợp lọc hóa dầu đầu tiên ở Dung Quất. Đây là bước tiến của dầu khí Việt Nam từ khai thác thô đến chế biến, phát triển ra nhiều ngành liên quan: nhựa, phân bón, xơ sợi, xăng dầu…

Không những là ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn quan trọng, Petrovietnam còn thực hiện đa chức năng phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, qua đó, khẳng định vị thế vững vàng trong nền kinh tế quốc dân.

PTSC lắp đặt điện gió ngoài khơi

PTSC lắp đặt điện gió ngoài khơi

PV: Theo ông, Petrovietnam đã chuyển hóa các kết quả nghiên cứu khoa học thành ứng dụng thực tiễn trong sản xuất kinh doanh ghi được dấu ấn như thế nào?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Do đặc thù nên yêu cầu ứng dụng KHCN của Petrovietnam đòi hỏi rất cao, không giống các ngành nghề khác. Từng khâu (thăm dò, khai thác, dự trữ, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu tạo nên một tổ hợp đa ngành); từng lĩnh vực (địa chất, hóa sinh, cơ khí) đều đòi hỏi phải có KHCN, thậm chí là những ứng dụng tiên tiến nhất để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Petrovietnam đã nỗ lực nắm bắt các xu hướng KHCN mới trên thế giới cũng như tự thân nghiên cứu các thành tựu phù hợp riêng với mình.

Đầu tư cho KHCN của ngành luôn được chú trọng, tiêu biểu là Viện Dầu khí Việt Nam. Không phải tập đoàn kinh tế nào cũng có một viện nghiên cứu riêng, điều này thể hiện tầm nhìn của Petrovietnam. Sự trưởng thành về KHCN của Petrovietnam có thể nhìn thấy rõ nhất qua quá trình thăm dò khai thác ở những địa hình phức tạp, độ sâu lớn, hiểm trở và chuyển từ khai thác xuất thô sang chế biến và phát triển đa dạng các sản phẩm.

Trong quá trình hoạt động, Petrovietnam luôn tập trung nghiên cứu, ứng dụng KHCN để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Trong những năm gần đây, toàn Tập đoàn đã được trao tặng 10 Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN; cùng nhiều giải thưởng sáng tạo uy tín khác. Những công trình KHCN được nhận giải đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, được ứng dụng và phát huy hiệu quả trong hoạt động của Tập đoàn.

Petrovietnam cũng thường xuyên kết nối, hợp tác nghiên cứu với các đối tác, tập đoàn lớn trên thế giới nhằm đón đầu và chuẩn bị cho xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ; chủ động đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu KHCN; xây dựng lộ trình phát triển về năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió ngoài khơi, hydrogen, amoniac xanh), thu giữ và chuyển hóa CO2…

Toàn bộ các đơn vị trong Petrovietnam tận dụng sức mạnh thời đại, ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh

Toàn bộ các đơn vị trong Petrovietnam tận dụng sức mạnh thời đại, ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh

Từ việc sớm áp dụng KHCN, Petrovietnam đã trải qua một quá trình tích lũy, hòa nhập với công nghệ tiên tiến thế giới và tìm cách vươn lên, đi trước. Đến nay, Petrovietnam đã kế thừa và phát triển nhiều thành tựu KHCN có đóng góp to lớn trong hoạt động của Tập đoàn.

PV: Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, theo ông, Petrovietnam cần tập trung nghiên cứu các định hướng phát triển công nghệ mới như thế nào?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, yêu cầu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đang được đẩy mạnh, trữ lượng dầu khí là hữu hạn, tiềm năng thăm dò khai thác ngày càng thách thức, đặt ra yêu cầu hướng đi mới cho Petrovietnam. Đặc biệt là ở khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với các biến động liên quan trực tiếp như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và yêu cầu bảo vệ môi trường.

Những yêu cầu này đòi hỏi tầm nhìn mới đưa Petrovietnam đứng trước một cuộc cách mạng. Giai đoạn nguồn tài nguyên dồi dào dễ khai thác đang qua đi, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước bối cảnh chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam cần tự cải tổ, chủ động tham gia quá trình chuyển dịch này. Điều này đồng nghĩa với việc Petrovietnam đang đứng trước các nhiệm vụ mới về nghiên cứu và ứng dụng KHCN, cần kế thừa những thành tựu đã có và đổi mới sáng tạo những yếu tố mới.

KHCN là một yếu tố quan trọng từ những ngày đầu hình thành, trong thời gian tới, Petrovietnam cần phát triển KHCN gắn với chiến lược mới, coi đây là phương thức chủ yếu để hoàn thành công cuộc cải tổ này.

Trong đó, Petrovietnam cần phát huy được các nguồn lực đã có và biến KHCN thành động lực phát triển. Về mặt tư duy, thứ nhất, chính sách KHCN cần gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi Tập đoàn tham gia các lĩnh vực mới, không chỉ ở nguồn thiên nhiên sẵn có mà cả các năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Thứ hai, định hướng tập trung vào các lĩnh vực mới làm chủ công nghệ. Muốn bất kỳ một ngành nào đủ sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà với quốc tế cần đi vào những công nghệ mũi nhọn, công nghệ nền để không bị tụt hậu, bắt kịp và vượt lên. Hiện thế giới ở cách mạng công nghệ 4.0 có tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Petrovietnam cũng cần thích ứng và ứng dụng những thành tựu khoa học nhân loại vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh ứng dụng đầy đủ những gì thế giới đang có, Petrovietnam cần tạo ra những công nghệ nền cho ngành. Việc làm chủ công nghệ sẽ giảm sự phụ thuộc, vươn lên thế chủ động trong các hợp tác quốc tế, giảm gia công thô, tăng giá trị cho các sản phẩm của Petrovietnam.

Đây là thách thức lớn nhưng buộc Petrovietnam phải quyết tâm thực hiện thông qua đầu tư nguồn lực thích đáng cho KHCN. Điểm đáng mừng là Tập đoàn đã dành nguồn tài chính lớn cho Quỹ KHCN. Nhà nước luôn khuyến khích Tập đoàn đầu tư thỏa đáng cho KHCN, thậm chí lớn hơn tỷ lệ trung bình của các lĩnh vực khác.

Hoạt động của Petrovietnam luôn gắn liền với phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng (ảnh: Trần Văn Quỳnh)

Hoạt động của Petrovietnam luôn gắn liền với phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc phòng (ảnh: Trần Văn Quỳnh)

Đầu tư cho nguồn lực tri thức, KHCN mang tính quyết định, có ý nghĩa sống còn cho năng lực cạnh tranh của Petrovietnam. Quan điểm đó cần cụ thể hóa thông qua việc xác định được những lĩnh vực then chốt ưu tiên, gắn KHCN với chiến lược phát triển ngành.

PV: Ông có cho rằng việc xác định “tài nguyên KHCN, tri thức” là nền tảng cốt lõi sẽ rất cần thiết với Petrovietnam cho chặng đường phát triển mới?

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Quan điểm này là cần thiết, nằm trong chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi tái cấu trúc nền kinh tế. Chúng ta đã hết giai đoạn phát triển theo chiều rộng dựa trên tài nguyên thiên nhiên, người lao động giá rẻ, chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu. Đối với các lĩnh vực công nghiệp của Petrovietnam, yêu cầu này càng cấp thiết, bởi đây vốn là một ngành tự thân đòi hỏi phải dựa trên KHCN.

Do đó, đầu tư cho nguồn lực tri thức, KHCN mang tính quyết định, có ý nghĩa sống còn cho năng lực cạnh tranh của Petrovietnam. Quan điểm đó cần cụ thể hóa thông qua việc xác định được những lĩnh vực then chốt ưu tiên, gắn KHCN với chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới, dành những nguồn lực đầu tư thỏa đáng và đào tạo đội ngũ đáp ứng yêu cầu mới.

Đội ngũ cán bộ trẻ sẽ tiếp thu tốt những thành tựu công nghệ mới nhất của thế giới và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các công đoạn, các lĩnh vực của Petrovietnam, nhất là với năng lượng tái tạo - chúng ta còn đang thiếu kinh nghiệm, nguồn lực, quản trị và công nghệ.

Vừa qua, quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Petrovietnam đã ban hành “Nghị quyết về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số”. Tập đoàn đặt ra các mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, tiềm lực, trình độ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt mức tiên tiến của khu vực ở nhiều lĩnh vực quan trọng, một số lĩnh vực đạt trình độ quốc tế.

Nghị quyết này là bước đi chiến lược trong quản trị để Tập đoàn đưa KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển thành động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần quyết định đưa toàn Petrovietnam tăng trưởng bền vững với tốc độ “hai con số”, có tiềm lực mạnh, quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Đồng thời, Petrovietnam cần đưa ra các mục tiêu đo đếm cụ thể về hiệu quả KHCN với tăng trưởng, năng suất lao động, tạo nền tảng vững chắc để tăng tốc, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là hướng đi đúng đắn của Petrovietnam.

Với tầm nhìn chiến lược, tôi tin rằng Petrovietnam sẽ làm tốt được vai trò tiên phong của một tập đoàn kinh tế then chốt trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, chiến lược phát triển Tập đoàn cần gắn với các mốc quan trọng của đất nước và từng thời kỳ, bảo đảm an ninh năng lượng theo hướng bền vững, mang tính dẫn dắt và thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Để triển khai thực hiện, Chủ tịch HĐTV Lê Mạnh Hùng yêu cầu toàn thể đơn vị trong Petrovietnam tận dụng sức mạnh thời đại, ứng dụng KHCN tạo sự đồng bộ, hình thành cơ sở dữ liệu chung; tập trung đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng KHCN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong quản lý, quản trị điều hành hoạt động một cách đồng bộ từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; ứng dụng 100% mô hình “văn phòng điện tử” trong toàn hệ thống Tập đoàn.

Đồng thời, Petrovietnam đẩy mạnh xây dựng công nghệ lõi phục vụ mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển, xác định nghiên cứu khoa học là giải pháp mấu chốt, trọng yếu trong việc triển khai nhiệm vụ các năm tới để tăng năng suất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn nhằm bảo đảm doanh thu, lợi nhuận và mục tiêu chiến lược trong bước chuyển mình của Tập đoàn.

Thảo Trần

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/khoa-hoc-cong-nghe-la-tai-nguyen-chien-luoc-cua-petrovietnam-727546.html