Khoa học - công nghệ: Nền tảng cho mục tiêu net zero: Bài 2: 'Cú hích' cho sản xuất xanh

Xanh hóa hoạt động sản xuất thông qua cắt giảm nguyên vật liệu đầu vào, hạn chế phát sinh chất thải là yêu cầu bắt buộc của thị trường và khách hàng. Để làm được điều này, doanh nghiệp (DN) phải nghiên cứu làm chủ công nghệ hoặc đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất.

Nhà máy sản xuất xanh của Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Lộc

Nhà máy sản xuất xanh của Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Lộc

Việc này càng làm sớm, DN càng có lợi thế về thị trường, đồng thời góp phần để “cái nôi” công nghiệp của cả nước trở thành ngành có công nghệ hiện đại và phát triển bền vững.

Khu công nghiệp chuyển mình theo xu hướng

Những năm gần đây, ngành công nghiệp Đồng Nai không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn giá trị. Hiện tỉnh có 31 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động. Việc thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh ngày càng được chọn lọc kỹ. Tỉnh ưu tiên chọn dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít tác động đến môi trường và ít thâm dụng lao động.

Đối với các dự án ở KCN hiện hữu, tỉnh khuyến khích đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cải tiến công nghệ để tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ nhằm xử lý tốt các loại chất thải. Riêng các KCN thành lập mới phải đảm bảo 3 tiêu chí: xanh, carbon thấp và net zero.

Thạc sĩ Vương Lan, Ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai, chia sẻ chuyển đổi mô hình phát triển KCN theo hướng xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu về tăng trưởng xanh, giảm phát thải mà còn khắc phục vấn đề môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Mô hình KCN này là ưu tiên của các nhà đầu tư đề cao yếu tố phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.

KCN Amata (thành phố Biên Hòa) là một trong 5 KCN của Việt Nam được Bộ Kế hoạch và đầu tư chọn tham gia thí điểm mô hình KCN sinh thái theo tiêu chí toàn cầu. Dự kiến sau khi thành công sẽ nhân rộng ra các KCN khác trong tỉnh và cả nước.

Giám đốc cấp cao Phòng Nước và môi trường của Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa Phạm Anh Tuấn cho hay, KCN Amata tham gia mô hình KCN sinh thái nhằm hướng đến 4 mục tiêu chính: kinh tế, môi trường, xã hội và quản lý. KCN Amata đang ứng dụng KHCN để giảm phát thải, phát triển năng lượng mặt trời áp mái, sử dụng đèn led kết hợp với bộ điều kiển tự động thông minh để chiếu sáng, dùng xe điện cho đội bảo vệ tuần tra. Đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để xử lý nước thải đạt chuẩn rồi tái sử dụng tưới cây, tái chế nhựa làm đường giao thông, tái chế bùn thải và hợp chất hữu cơ sản xuất phân bón…

Bên cạnh Amata, một số KCN như: Long Khánh, Long Đức, Nhơn Trạch 6, công nghệ cao Long Thành, công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai… quan tâm và đã bước đầu thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 33 KCN, 27 cụm công nghiệp với hơn 53 ngàn DN, trong đó hơn 1,6 ngàn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là nhóm đối tượng cần thực hiện xanh hóa để giữ vững thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh mới.

Xanh hóa nhà máy, sản phẩm

Cùng với chuyển đổi mô hình các KCN, tỉnh hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng cho DN trong ngành trọng điểm, hướng dẫn phương pháp đánh giá định mức tiêu hao năng lượng cho các DN thuộc cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, DN quan tâm và thực hiện xanh hóa sản xuất ngày càng nhiều.

Công ty TNHH Cargill Việt Nam là một trong những DN đang ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để giảm phát thải, hướng đến xanh hóa sản phẩm.

Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc ngành dinh dưỡng vật nuôi Cargill Việt Nam và Thái Lan, cho biết trong năm 2023, công ty khánh thành nhà máy sản xuất thứ 2 tại Đồng Nai và là nhà máy có cơ sở hạ tầng và công nghệ hiện đại nhất của Cargill ở châu Á. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 28 triệu USD, được trang bị nhiều robot đạt tỷ lệ tự động hóa lên đến hơn 95%. Hiệu quả thấy rõ là nhân công lao động giảm, tỷ lệ hàng lỗi giảm, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế về chất lượng.

Còn tại Công ty Ajinomoto Việt Nam (KCN Biên Hòa 1), KHCN được dụng vào nhiều khâu, từ xanh hóa bao bì, sản phẩm cho đến phát triển năng lượng tái tạo, tái sử dụng chất thải.

Ông Hoàng Văn Quốc Chương, Phó tổng giám đốc công ty, chia sẻ 3 mục tiêu chính về môi trường mà Ajinomoto Việt Nam đang theo đuổi là: không phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dựa trên chu trình sinh học. KHCN là yếu tố không thể thiếu trong thực hiện các mục tiêu này.

Ông Chương dẫn chứng, để giảm phát thải trong sử dụng năng lượng, từ năm 2014, công ty đã đưa vào vận hành lò hơi sinh học sử dụng nguyên liệu củi, trấu thay thế cho nhiên liệu dầu và khí đốt, giúp tiết kiệm chi phí và giảm lượng phát thải CO₂ khoảng 48%. Công ty đã và đang tiếp tục đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục tiêu đến năm 2030 sử dụng 50% năng lượng này phục vụ sản xuất. Đối với nước thải, công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải ứng dụng công nghệ xử lý nitơ sinh học Nhật Bản với mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xử lý đạt tiêu chuẩn loại A theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp để tái sử dụng và trả về nguồn
tiếp nhận.

Các DN đã có tiếng là thành công trong ứng dụng KHCN vào mục tiêu xanh hóa sản xuất như: Nestlé, Bosch, Toshiba, Schaeffler Việt Nam…

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng xanh hóa sản xuất thông qua công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đang là yêu cầu bắt buộc đối các DN có hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Hoàng Lộc

Bài 3: Nông nghiệp hiện đại không thể thiếu khoa học - công nghệ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/khoa-hoc-cong-nghe-nen-tang-cho-muc-tieu-net-zero-bai-2-cu-hich-cho-san-xuat-xanh-fa906cf/