Khoa học công nghệ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 18/11, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học 'Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng 30 năm hình thành và phát triển'.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt biểu dương kết quả ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng; đồng thời nhận định, hội nhập toàn cầu đang là cơ hội, cũng là thách thức không nhỏ đối với tất cả ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Khoa học và Công nghệ với những tiến bộ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn, ngành Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có những đột phá về lĩnh vực này, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động cụ thể hóa nội dung của ngành trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh cần xác định hướng nghiên cứu ưu tiên có tiềm năng ứng dụng và tác động đối với kinh tế - xã hội của địa phương để đầu tư có trọng điểm, đột phá. Địa phương phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành những doanh nghiệp đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có sự đóng góp rất lớn của ngành Khoa học và Công nghệ. Trải qua hành trình 30 năm, ngành Khoa học và Công nghệ luôn bám vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.
Cụ thể, nhóm tác giả Công trình nghiên cứu giống lúa thơm ST đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và gạo ST25 đoạt giải Nhất gạo ngon thế giới năm 2019. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã tổ chức nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh phục vụ cho vùng canh tác lúa - tôm, xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, triển khai các nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi và chế biến trứng bào xác Artemia...
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, 30 năm qua (1993 - 2023), Sở đã thực hiện 11 đề tài, dự án thuộc các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia, 228 đề tài, dự án cấp tỉnh; trong đó có 67 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, 161 đề tài lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn như: xây dựng được nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương trên giống lúa ST, củ hành tím, Artemia Vĩnh Châu, trái cây Cù Lao Dung...
Hiện, toàn tỉnh có 1.281 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 9 đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực châu Âu...
Tại hội thảo, 13 tham luận và nhiều lượt ý kiến xoay quanh quá trình hình thành và phát triển khoa học và công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chế biến và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại hội thảo đã tiến hành lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Sóc Trăng với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (vùng Nam Bộ) trên lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn.
Dịp này, Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ cho 23 cá nhân. Ban Tổ chức trao bảng tượng trưng tặng 30 hệ thống lọc nước phèn - mặn cho UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng); trao bảng tượng trưng tặng 30 căn nhà đại đoàn kết cho Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng.