Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo là động lực chính nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế...
Chiều ngày 30/9/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo- Động lực cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
4 TRỌNG TÂM THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2024 vừa công bố, Việt Nam hiện xếp hạng 44/133 quốc gia, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Trong suốt 10 năm qua, xếp hạng của Việt Nam đã tăng hơn 30 bậc, một minh chứng rõ rệt cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Còn theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của WEF, Việt Nam xếp hạng 67 vào năm 2023, tiến bộ đáng kể so với các năm trước. Đặc biệt, các tiêu chí về sự ổn định vĩ mô và năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đều được đánh giá cao. Mục tiêu năm 2030, Việt Nam sẽ nằm trong top 50 về GCI và top 40 về GII, góp phần khẳng định vị thế của đất nước trên bản đồ công nghệ thế giới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã và đang đóng góp vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; trong các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục và công nghiệp.
Nhìn về tương lai, tôi tin tưởng tiềm năng to lớn cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa EU và Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, đổi mới kỹ thuật số và nông nghiệp bền vững. EU và các nước thành viên sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu Việt Nam trong ứng dụng các công nghệ mới nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo môi trường bền vững và công bằng xã hội.
Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực chính giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng bền vững, mà còn giúp tạo ra những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia trên trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của Quốc hội. Việt Nam đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo được xác định là nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Để thúc đẩy hiệu quả hơn hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng và đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh 4 trọng tâm.
Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp nhằm nâng cao sự liên kết và thống nhất trong tầm nhìn chiến lược về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm; viện nghiên cứu trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh; thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng cường sự phối hợp và dành nguồn lực thích hợp để tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh hoạt động đổi mới công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành và cả nền kinh tế có thể nâng cao năng suất lao động.
Thứ ba, triển khai các giải pháp nhằm phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập: tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương và các đơn vị nghiên cứu; đồng thời huy động được các nguồn lực (trong và ngoài nước) hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp;
Mở rộng hoạt động kết nối cung- cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Thứ tư, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các đề án sửa đổi, bổ sung các luật đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ nhiệm kỳ này, bảo đảm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi và đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học công nghệ.
XÂY DỰNG NHỮNG CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ, ĐẶC THÙ
Là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Thành phố cũng luôn quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn, tổ chức các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ…
Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên triển khai. Trọng tâm là xây dựng cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến- Văn minh- Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, ông Lê Hồng Sơn cho biết Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên triển khai. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Luật đã bổ sung những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, nhằm hỗ trợ Hà Nội phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, và các mô hình kinh doanh công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.
Trong luật cũng có các quy định về hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào R&D, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp.
Một trong những điểm mới quan trọng của luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới. Điều này sẽ giúp Hà Nội tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ công nghệ, đồng thời tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Sơn nói.