Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực cho kinh tế trong thập kỷ tới
Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC 2025) được tổ chức ngày 22/4 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn vốn tư nhân, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình". Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Tài chính, phối hợp với Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures và Do Ventures tổ chức.
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cùng đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương. Phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Diễn đàn năm nay thu hút hơn 1.000 đại biểu, trong đó có 200 doanh nghiệp tham dự.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu tham dự Diễn đàn; trong đó có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (thứ hai từ phải qua trái - hàng nhất).
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sự kiện có vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Nhiều quốc gia phát triển như: Hàn Quốc, Trung Âu, Hoa Kỳ... đã chủ động thành lập các quỹ đầu tư chuyên biệt cho đổi mới sáng tạo. Những quỹ này không chỉ cung cấp nguồn vốn quan trọng cho các dự án công nghệ cao, mà còn đóng vai trò kích hoạt sự tham gia của khu vực tư nhân, từ đó gia tăng quy mô và hiệu quả đầu tư.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng.
Phó Thủ tướng cho rằng, dòng vốn tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các ý tưởng đột phá, mô hình kinh doanh mới và phát triển các sản phẩm công nghệ tiên phong. Các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, tập đoàn công nghệ toàn cầu chính là những “nhà bảo trợ” cho sự phát triển của tương lai.
Thực tế cho thấy, sự chủ động và linh hoạt của khu vực tư nhân, khi kết hợp cùng vai trò kiến tạo từ phía Nhà nước, đã tạo nên những hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ tại nhiều quốc gia.
Trong dòng chảy sôi động đó, Việt Nam cũng đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư cho công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho nền kinh tế trong thập kỷ tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, đây là sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu từ năm 2019 đến nay. Thời gian qua, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về đổi mới sáng tạo khi hợp tác, thu hút được các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ. Chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục tăng và được xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC, Diễn đàn hướng tới mục tiêu thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trụ cột then chốt trong chiến lược tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Tại Diễn đàn VIPC 2025, NIC và VPCA đã ký loạt biên bản ghi nhớ (MoU) song phương với ba hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á.
“Việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn tư nhân là đòn bẩy quyết định để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo” - ông Vũ Quốc Huy nhìn nhận và cho rằng, Diễn đàn sẽ là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy dòng vốn tư nhân chảy mạnh vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, hiệu quả và bền vững.
Theo báo cáo NIC, Việt Nam đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới. Gần 100 quỹ đầu tư đã rót vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong nước.
Các nhà đầu tư đến từ Singapore dẫn đầu với tổng giá trị đầu tư 529 triệu USD. Dù giảm 17% so với năm trước, mức giảm này vẫn được đánh giá tích cực trong bối cảnh thị trường toàn cầu lao dốc tới 35%. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến ổn định, hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường đầu tư và hợp tác khu vực.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn, đã Diễn ra hoạt động ký kết các biên bản ghi nhớ (MoU) giữa 3 hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á, gồm: Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVCA), Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và Tư nhân Singapore (SVCA), Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và Tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc).
Ba tổ chức này hiện đang quản lý tổng tài sản lên tới 5.000 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên các tổ chức gọi vốn tư nhân chính của châu Á chính thức liên kết, tạo nên một khối đầu tư khu vực với mục tiêu chung và hành động phối hợp.