Khoa học đời sống TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Chiều 21/10, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp Hội đồng hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ 'Hệ thống sấy và tạo hình cánh chè' do Công ty TNHH chè Hồng Đức (trụ sở tại huyện Tân Uyên) đề xuất. Tiến sỹ Dương Đình Đức - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.
Tham dự có các thành viên trong Hội đồng xét duyệt gồm: Hội đồng Nhân dân tỉnh, các Sở: Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh...
Công ty TNHH chè Hồng Đức bao tiêu nguyên liệu chè búp tươi là 1.300ha chủ yếu chế biến chè PH8 và chè Shan. Vùng nguyên liệu chủ yếu ở 2 xã Pắc Ta và Hố Mít của huyện Tân Uyên và các xã: Phúc Than, Mường Than, Hua Nà, Mường Cang, Mường Mít, thị trấn Than Uyên thuộc huyện Than Uyên.
Công ty TNHH chè Hồng Đức đã đầu tư, đổi mới ứng dụng công nghệ chế biến chè với công nghệ của Trung Quốc kết hợp với công nghệ Việt Nam hoàn toàn phù hợp với năng lực tài chính cũng như vùng nguyên liệu của Công ty.
Trước kia, Công ty sử dụng công nghệ máy sấy S800 có năng suất thấp, chất lượng chè chưa đạt yêu cầu của thị trường đề ra. Do đó, Công ty đầu tư đổi mới công nghệ chế biến chè mới, đó là cải tiến công nghệ từ nhông 5 cánh lên 8 cánh, lực truyền động nhẹ hơn, động cơ kéo tải nhẹ hơn, đỡ tốn điện năng (giảm từ 15-20%).
Sản phẩm chè sau sấy xanh, sáng cánh hơn và giữ được màu xanh của chè lâu hơn theo thời gian, đặc biệt giữ được hương tự nhiên của chè. Chi phí sản xuất thấp, năng suất và hiệu quả chế biến chè cao hơn.
Với hệ thống tạo hình chè Công ty đã sử dụng bom kín lục lăng 1,8m là công đoạn tạo hình chè sau sấy. Hiện nay, Công ty sử dụng một lò đốt cung cấp nhiệt đủ cho 12 bom lăn kín lục lăng đối xứng. Có dàn thao tác đủ chủ động cung cấp chè sau sấy vào từng bom lăn. Hệ thống bom lăn kín lục lăng của Công ty tiết kiệm được diện tích nhà xưởng là 50m2. Tiết kiệm được một lò đốt cung cấp nhiệt. Tiết kiệm nhân công. Năng suất đạt trên 1.000kg chè/1 mẻ…
Công nghệ được đầu tư có tổng số vốn là 1.742.400.000 đồng, trong đó kinh phí đề nghị hỗ trợ của Nhà nước là 500.000.000 đồng.
Việc đổi mới công nghệ chế biến chè nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản phẩm được đảm bảo chế biến từng khâu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiết kiệm nhân lực tăng thu nhập cho người dân; mở rộng vùng nguyên liệu chè, giúp xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Kết thúc buổi họp, Hội đồng xét duyệt nhất trí hỗ trợ Dự án đổi mới công nghệ “Hệ thống sấy và tạo hình cánh chè” cho Công ty TNHH chè Hồng Đức.