Khoa học và công nghệ Hà Tĩnh bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0

Những đổi mới, sáng tạo liên tục của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế Hà Tĩnh.

Dự án ứng dụng tiến KH&CN xây dựng mô hình sản xuất cà chua Monaco ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, hầu hết các sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh (Sở KH&CN) đều được thương mại hóa. Điều này cho thấy, các đề tài nghiên cứu của trung tâm ngày càng sát thực với nhu cầu của người dân.

Bà Dương Thị Ngân - Giám đốc trung tâm phấn khởi chia sẻ: Một số sản phẩm công nghệ nổi bật của chúng tôi được thương mại hóa, sản xuất đại trà và cung cấp rộng rãi trên thị trường như: tự động trong sản xuất nước mắm; xử lý, cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt; xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải y tế; xử lý mối, nuôi cấy mô tế bào thực vật; sản xuất đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo; sản xuất một số sản phẩm trà thảo dược… Trong đó, công nghệ sinh học là lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhất và cũng là chiến lược phát triển lâu dài của đơn vị.

Giống khoai lang KL20-209 mới được thử nghiệm tại Hà Tĩnh cho thấy hiệu quả cao hơn các giống bản địa và nhiều loài cây khác như lúa, lạc…

Hầu hết các đề tài khoa học, công trình nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khác ở Hà Tĩnh cũng được ứng dụng rộng rãi, tạo thành sản phẩm mang lại giá trị cho cộng đồng. Đặc biệt là những đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần cải tiến năng suất, chất lượng nông sản. Ông Lê Đình Doãn - Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN) cho hay, từ năm 2015 đến nay, có 125 đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp tỉnh, hơn 500 đề tài cấp huyện, cơ sở được tổ chức nghiên cứu. Theo kết quả đánh giá, có trên 90% đề tài, dự án sau nghiệm thu được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Từ các kết quả nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN đã góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Những năm gần đây, mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng phát triển khá mạnh ở Hà Tĩnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Có được kết quả đó, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích phát triển KH&CN. Trong 5 năm qua, tổng chi ngân sách Nhà nước của tỉnh cho lĩnh vực này đạt gần 293 tỷ đồng. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, KH&CN sẽ còn phát triển như vũ bão. Để kịp thời thích nghi với bối cảnh mới, đòi hỏi mức độ quan tâm, đầu tư của toàn xã hội phải tương xứng. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu tổng vốn đầu tư xã hội cho KH&CN trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt ít nhất 1% GDP vào năm 2025; bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước không dưới 2% GRDP tổng chi hằng năm; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Với sự hỗ trợ của ngành KH&CN, năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “bưởi quả” huyện Hương Khê.

Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, ngành KH&CN đã tập trung triển khai các giải pháp mũi nhọn, mang tính đột phá. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung du nhập, khảo nghiệm các giống cây, con phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao; tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các quy trình sản xuất chế phẩm sinh học; chuyển giao KH&CN gắn với sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; tập trung ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản. Ngoài ra, tiếp tục triển khai những nhóm đề tài giải quyết các vấn đề ở nhiều lĩnh vực đời sống khác như: y, dược, văn hóa - xã hội, môi trường…

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/khoa-hoc/khoa-hoc-va-cong-nghe-ha-tinh-bat-nhip-cach-mang-cong-nghiep-4-0/204538.htm