Khoa học và công nghệ ngành Công Thương: Hướng tới sản xuất thông minh
Hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ tập trung hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ hiện đại và phát triển sản xuất thông minh.
Nền tảng quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ, xác định khoa học và công nghệ phải là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ có những tác động hết sức mạnh mẽ tới nền sản xuất của mỗi quốc gia, ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, quá trình ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, trong giai đoạn tới, các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực theo các định hướng sau:
Một là, tiếp tục bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Hai là, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phát triển bền vững, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.
Ba là, xây dựng và quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011- 2030 cũng như phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bàKiều Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã có sự vào cuộc nhanh chóng nhằm cụ thể hóa định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tận dụng các cơ hội mang lại từ cuộc cách mạng này.
Bộ Công Thương đã ban hành các kế hoạch hành động của Bộ để thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 50 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương trong giai đoạn vừa qua.
Trong giai đoạn đầu, Bộ Công Thương đã tập trung vào việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp hàng đầu của nước ngoài về lĩnh vực này; triển khai một số mô hình thí điểm về sản xuất thông minh trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để từng bước triển khai, nhân rộng.
Bộ Công Thương cũng đã có hợp tác với Tập đoàn Siemens của Đức để thực hiện việc đánh giá mức độ sẵn sàng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp số, trên cơ sở đó, tư vấn doanh nghiệp xây dựng lộ trình để thực hiện chuyển đổi số.
Thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp
Hiện nay, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đang được tổ chức lấy ý kiến của các Bộ ngành, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu để hoàn thiện và trình Thủ tướng trong năm nay.
Đề án này được xây dựng trên quan điểm lấy doanh nghiệp là trung tâm, tập trung giải quyết các thách thức cơ bản mà doanh nghiệp phải đối mặt khi ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số và triển khai sản xuất thông minh, từ góc độ thể chế và quy định quản lý, phương pháp và công nghệ, từ vấn đề con người tới tài nguyên số và hạ tầng số, đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh của doanh nghiệp.
Đề án gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính, tập trung vào 02 nhóm vấn đề: Thứ nhất, thiết lập cơ chế, môi trường chính sách thuận lợi cho hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; đồng thời, có các chính sách ưu đãi có tính đặc thù, đột phá thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp nói riêng. Hình thành liên minh công nghiệp - công nghệ số, công nghệ nền tảng dựa trên các doanh nghiệp, sản phẩm chuyển đổi số trong nước và các doanh nghiệp đầu chuỗi.
Thứ hai, hỗ trợ phát triển năng lực toàn diện cho các doanh nghiệp: Phát triển nguồn nhân lực số, hình thành các nguồn tài nguyên và hạ tầng số dùng chung; đầu tư phát triển các nền tảng và công cụ, giải pháp công nghệ cho phép doanh nghiệp cá thể hóa giải pháp chuyển đổi số và triển khai một số dự án chuyển đổi số ở các nhóm ngành để lan tỏa kinh nghiệm, đặt nền móng hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, dẫn dắt phong trào chuyển đổi số.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ. "Chúng tôi hy vọng, sau khi Đề án được phê duyệt, việc triển khai tổ chức các nhiệm vụ sẽ tạo cú hích quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, phản ứng linh hoạt trong điều kiện mới, có nhiều thay đổi và yếu tố bất định, từ đó duy trì sự phát triển bền vững" - bàKiều Nguyễn Việt Hà cho hay.
Thực tế trong thời gian qua, việc ứng dụng các công nghệ mới cùng với quá trình chuyển đổi số đã được các doanh nghiệp ngành Công Thương quan tâm và đẩy mạnh hơn, nhằm giúp doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất, kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Điển hình như, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ năm 2019, tập đoàn đã nhận Giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện tại đơn vị.
Công nghệ hiện đại đã "phủ sóng" trong mọi hoạt động. Chẳng hạn, ở lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, EVN triển khai hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP), phần mềm quản lý nguồn nhân lực HRMS, hệ thống văn phòng điện tử (E-Office)…
Ở lĩnh vực truyền tải, 80% trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính, các thiết bị bảo vệ trong các trạm biến áp đều sử dụng rơle số. Đối với lĩnh vực phát điện, triển khai hệ thống DCS điều khiển phân tán trong nhà máy điện, hệ thống EVNHES, phần mềm quản lý nguồn điện…
Một minh chứng khác về doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho khoa học và công nghệ, chuyển đổi số đó là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn hiện có hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động, đồng bộ hóa và đạt chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001, HACCP/ ISO 22000 và ISO 14001…
Quỳnh Nga