Khoa học và công nghệ phải là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại hội nghị tổng kết công tác triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2021 diễn ra chiều 7-4.

Đồng chủ trì hội nghị cùng Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành có các đồng chí: Chu Thúc Đạt-Vụ trưởng Vụ Phát triển KH-CN địa phương (Bộ KH-CN); Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Những chuyển biến tích cực

Xác định KH-CN có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội, 10 năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo sát sao quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan. Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Nam Hải cho biết: “Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ KH-CN hầu hết được thực hiện theo cơ chế đặt hàng và có sự cam kết ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh sau khi hoàn thành”.

Theo đó, giai đoạn 2011-2021, Bộ KH-CN đã xem xét phê duyệt cho tỉnh Gia Lai triển khai thực hiện 19 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi với tổng kinh phí đầu tư gần 114 tỷ đồng (13 dự án do Trung ương quản lý, 6 dự án ủy quyền địa phương quản lý); phê duyệt triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia (2 nhiệm vụ thuộc Chương trình Quỹ gen, 1 nhiệm vụ cấp thiết địa phương) với tổng kinh phí hơn 25,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh quản lý, triển khai 106 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 134,4 tỷ đồng. Các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện 257 dự án với kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH-CN trên 49 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh, KH-CN phải là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Ảnh: Mộc Trà

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh, KH-CN phải là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Ảnh: Mộc Trà


Các nhiệm vụ KH-CN được triển khai đã từng bước gắn với thực tiễn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất cũng được chú trọng hơn với nhiều mô hình hiệu quả được người dân áp dụng và nhân rộng; góp phần nâng cao trình độ sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Giám đốc Sở KH-CN, trong tổng số nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh được phê duyệt giai đoạn 2011-2021, lĩnh vực nông-lâm nghiệp được quan tâm với tổng kinh phí triển khai cao nhất. Các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào lựa chọn, phát triển các giống vật nuôi, cây trồng, thủy sản mới có giá trị kinh tế cao; nhân giống và trồng rừng, cây lâm nghiệp; bảo tồn và phát triển cây dược liệu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Điển hình như: Dự án “Phát triển giống bò thịt chất lượng cao tại huyện Krông Pa”; mô hình nuôi cá tầm, cá lăng nha; Dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản theo hướng hàng hóa tại Gia Lai”; đề tài “Nghiên cứu các giải pháp trồng rừng trên vùng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Ia Ly”, “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển cây dược liệu bản địa có giá trị tại vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai”; Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ KH-CN trong trồng nấm đông trùng hạ thảo tại tỉnh Gia Lai”, “Xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN trong trồng thủy canh và bảo quản sau thu hoạch đối với cây cà chua và cây cải xanh”…

Riêng nhiệm vụ KH-CN cấp cơ sở chủ yếu tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống thông qua xây dựng những mô hình trình diễn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Ngoài phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn, các dự án còn chú trọng đến yêu cầu tạo ra hoặc khẳng định cơ sở khoa học cho nghề trồng trọt, chăn nuôi mới hình thành. “Về cơ bản, đa số dự án đã đạt được hiệu quả nhất định như: thay đổi tư duy, cách làm, nhận thức của người dân; giúp họ tiếp cận với các loại giống cây trồng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt”-ông Nguyễn Nam Hải nhìn nhận.

Những năm qua, tiềm lực KH-CN đã từng bước được tỉnh chú trọng đầu tư để hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng đủ năng lực làm hạt nhân trong phát triển KH-CN. Song song với đó, tỉnh cũng đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trên lĩnh vực này.

Bàn thảo giải pháp nghiên cứu, ứng dụng KH-CN

Các đại biểu dự hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai, ứng dụng các nhiệm vụ KH-CN vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh 10 năm qua; đồng thời tập trung bàn thảo, tìm ra những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác này trong giai đoạn kế tiếp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, những thành tựu mà tỉnh đạt được trên lĩnh vực KH-CN là rất quan trọng, tuy nhiên chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Trên thực tế, chất lượng đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các sở, ngành, địa phương chưa cao. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng đề xuất đặt hàng trong thời gian đến, thực sự phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh? Làm thế nào để đẩy nhanh việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào thực tiễn sản xuất một cách thực chất và hiệu quả, để kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thực sự đi vào sản xuất và đời sống?

Vụ trưởng Vụ Phát triển KH-CN địa phương (Bộ KH-CN) Chu Thúc Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Vụ trưởng Vụ Phát triển KH-CN địa phương (Bộ KH-CN) Chu Thúc Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Liên quan đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH-CN địa phương (Bộ KH-CN) Chu Thúc Đạt đề nghị: Thời gian đến, Gia Lai cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ, làm chủ và đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Thêm vào đó, tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giải quyết các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị; xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ. Đồng thời, quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Rà soát, điều chỉnh, tái cấu trúc những chương trình KH-CN để hoạt động nghiên cứu, triển khai đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ KH-CN có tính chất liên tỉnh, liên vùng...
Tham luận về hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh, PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng, tiềm năng lâm nghiệp của tỉnh là rất lớn, vì vậy, tỉnh cần có chiến lược và kế hoạch để khai thác, phát triển; trước mắt, tập trung vào những nơi đã có những điều kiện bước đầu như Khu lâm nghiệp công nghệ cao, Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng... “Tỉnh cần xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp gắn kết với các ngành, lĩnh vực, địa phương để phát huy được hiệu quả trong khai thác tiềm năng, thế mạnh. Mặt khác, nên có những nghiên cứu về đa dạng sinh học rừng; xây dựng các mô hình phát triển rừng theo tiếp cận cảnh quan; thúc đẩy quản lý rừng bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu lâm sản đối với rừng sản xuất; ứng dụng KH-CN trong các khâu lâm sinh cũng như quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến và thực hiện quản trị tiên tiến để nâng cao giá trị gia tăng...”-PGS-TS. Nguyễn Danh đề xuất.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề xuất giải pháp về phát triển lâm nghiệp. Ảnh: Mộc Trà

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề xuất giải pháp về phát triển lâm nghiệp. Ảnh: Mộc Trà

Thời gian qua, hoạt động KH-CN cấp huyện cũng có những chuyển biến khá mạnh mẽ. Các địa phương đã thấy được vai trò, tầm quan trọng của KH-CN trong đời sống, sản xuất; nhận thức của người dân về KH-CN cũng được nâng lên. Chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Ksor Tin cho hay: Huyện đã đề ra 4 nhóm giải pháp để tập trung thực hiện gồm: kết nối chuyển giao, ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông-lâm nghiệp, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp; hình thành và phát triển nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, quản lý trong nông nghiệp; kết nối với các nhà đầu tư để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, áp dụng KH-CN; triển khai xây dựng các chương trình, đề án, mô hình áp dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất. Mục đích của huyện là đi tắt, đón đầu, nhờ vào KH-CN để rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế giữa huyện so với các địa phương trong tỉnh và khu vực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời, yêu cầu ngành KH-CN tỉnh cần kiện toàn Hội đồng KH-CN các đơn vị, địa phương để tham mưu đặt hàng, triển khai các nhiệm vụ phù hợp, đạt hiệu quả cao. Hiện UBND tỉnh đang triển khai các chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Do vậy, Sở KH-CN và các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần bám sát vào đó để phối hợp tham mưu, định hướng các nội dung nghiên cứu, đặc biệt là ứng dụng tiến bộ KH-CN gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sao cho KH-CN thực sự là hạt nhân, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Ngoài ra, phải đẩy mạnh vai trò hợp tác, mời các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn sâu, trình độ cao ở các viện, trường đại học, đơn vị nghiên cứu... tham gia hỗ trợ cho tỉnh về KH-CN trên tất cả lĩnh vực.

Nhiều mô hình ứng dụng KH-CN hiệu quả được người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng và nhân rộng trong sản xuất. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều mô hình ứng dụng KH-CN hiệu quả được người dân trên địa bàn tỉnh áp dụng và nhân rộng trong sản xuất. Ảnh: Mộc Trà


Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, đồng hành của Bộ KH-CN, các chuyên gia và nhà khoa học để có thêm nhiều bước phát triển mới trên lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống trong thời gian đến.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202204/khoa-hoc-va-cong-nghe-phai-la-don-bay-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5772924/