Khoa học và công nghệ thúc đẩy nền kinh tế Hà Tĩnh bứt phá
Được mệnh danh là 'chảo lửa túi mưa', nhưng giờ đây, bạn bè trong nước và quốc tế còn biết đến một Hà Tĩnh năng động, sáng tạo. Phát huy nền tảng khoa học và công nghệ (KH&CN), những năm gần đây, KT-XH Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhanh với nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm đến hấp dẫn...
Xuân này, tin vui liên tiếp đến với người trồng cam các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn khi những đặc sản nổi tiếng là cam Khe Mây và cam Sơn Mai lần lượt được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm nhãn hiệu khác ở Hà Tĩnh được xác lập quyền sở hữu trí tuệ.
Nhiều sản phẩm chủ lực khác của tỉnh như: Bưởi, nước mắm, nhung hươu…, nhờ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý đã giúp tăng giá trị từ 30 - 40% so với sản phẩm thông thường.
Không chỉ có hàm lượng khoa học cao về kết cấu, chọn tạo, nhân giống, quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…, mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Đình Doãn - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở KH&CN) cho hay, từ những kết quả nghiên cứu, ứng dụng ban đầu của ngành KH&CN, đến nay, mô hình trồng dưa lưới, hoa cúc trong nhà màng đã lan tỏa đến hầu hết các địa phương trong tỉnh. Với 1.000 m2, mỗi năm, người nông dân có thể thu về 200 triệu đồng từ mô hình sản xuất trong nhà màng, cao gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết: Thời gian gần đây, Hà Tĩnh chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của KHKT, nhất là trên các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, công nghệ sinh học, công nghệ nhà màng trong sản xuất nông nghiệp, bảo tồn gen… Đáng nói là hoạt động KH&CN không chỉ thuần túy ở việc tìm tòi, nghiên cứu mà các công nghệ tiên tiến đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi.
Ngoài ra, hệ thống đổi mới sáng tạo được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm; phong trào khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Kết quả là những sáng chế, phát minh được bảo vệ và trả tiền xứng đáng, góp phần gia tăng sản phẩm cho xã hội”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh đã khẳng định, trong những thành tựu phát triển KT-XH chung của tỉnh có nhiều đóng góp quan trọng của ngành KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có nhiều đổi mới.
Nhiều đề tài, dự án và hàng trăm sáng kiến khoa học được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn ở hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp, CN-TTCN, y tế… góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; từng bước xử lý ô nhiễm môi trường; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Đặc biệt, đã xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm làng nghề có thương hiệu, được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành KH&CN Hà Tĩnh xác định, phải tạo ra những chuyển biến về chất để nâng cao sức mạnh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Về những mục tiêu cụ thể trong thời gian tới, ngành xác định, Hà Tĩnh sẽ là một trong những địa phương có nền KH&CN phát triển hàng đầu của khu vực.
Riêng các lĩnh vực công nghệ sinh học, sở hữu trí tuệ… phải đạt trình độ tiên tiến, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ đột phá phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, khả năng ứng dụng cao, tính lan tỏa lớn.
Dương Chiến