Khỏa thân ở Mã Pì Lèng, có bị xử phạt?

Mong các cơ quan chức năng sớm xử lý vụ này để các danh thắng không trở thành phông nền cho những hình ảnh khoe da thịt trên mạng xã hội.

Mới đây, trên trang Facebook Hiếu Orion đã xuất hiện đoạn clip dài khoảng 5 phút ghi lại một phần chuyến đi của nhóm người khỏa thân lái mô tô di chuyển đến nhà nghỉ Panorama trên Mã Pì Lèng.

Trước đó, mối quan tâm của dư luận dành cho nhà nghỉ bảy tầng Panorama được xây dựng trái phép bên hông đèo Mã Pì Lèng, thuộc địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) còn chưa lắng xuống.

Chủ nhân trang Facebook cho rằng “khỏa thân để bảo vệ môi trường” nhưng với nhiều người yêu vẻ đẹp đèo Mã Pì Lèng thì đây là hành vi xúc phạm danh thắng.

Ngọn đồi Mã Pì Lèng đang phải gồng mình chịu dựng hàng tấn bê tông đè lên vẻ đẹp tự nhiên, giờ đây những hình ảnh khỏa thân đã phơi bày sự thiếu ý thức một số cá nhân khoe thân thể.

Cảnh đẹp ở Mã Pì Lèng gần đây bị hình ảnh không đẹp chen ngang. Ảnh: CT

Cảnh đẹp ở Mã Pì Lèng gần đây bị hình ảnh không đẹp chen ngang. Ảnh: CT

Dù ý tưởng bảo vệ môi trường của nhóm người khỏa thân tại Mã Pì Lèng là tốt nhưng cách làm lại không phù hợp, nó phản tác dụng hơn là mang lại ý nghĩa như họ mong muốn, gây bức xúc trong cộng đồng.

Đáng buồn hơn, hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta vẫn chưa đặt ra quy định xử phạt những hành vi khỏa thân nơi công cộng, danh thắng, địa điểm du lịch.

Ở đây có hai vấn đề được đặt ra. Một là: Những người khỏa thân ở Mã Pì Lèng có bị xử phạt không? Xin thưa là hiện nay không có quy định pháp luật nào điều chỉnh, nên không thể xử phạt được họ.

Hai là: Những người đăng tải hình ảnh, clip đó lên mạng thì có bị xử phạt không? Câu trả lời là có.

Điều 8 của Luật An ninh mạng đã có quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải các nội dung phá hoại thuần phong mỹ tục. Nghị định 72/2013 cũng có nội dung tương tự.

Tại Khoản 4, Điều 66 Nghị định 174/2013 quy định: Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung dâm ô đồi trụy trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng...

Cũng tại nghị định này có nêu rằng mức phạt tiền như trên là được áp dụng đối với tổ chức. Cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, nếu cá nhân nào đã phát tán hình ảnh, clip những người khỏa thân nói trên lên mạng xã hội thì sẽ bị phạt, mức tiền phạt là từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Mong rằng các cơ quan chức năng sớm xử lý vụ này để các danh thắng không trở thành phông nền cho những hình ảnh khoe da thịt trên mạng xã hội.

Nên có quy định pháp luật như trước đây

Hình ảnh một số người (nam) chụp trên đỉnh Mã Pì Lèng với trang phục gần như không có gì cả ngoài việc che phần bộ phận sinh dục. Tôi không rõ thông điệp, mục đích của những người này là gì nhưng xét ở khía cạnh đạo đức thì nó không phù hợp với văn hóa Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.

Về mặt pháp luật thì những người không mặc quần áo khi ra đường có vi phạm hay không?

Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 73 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Trong đó, tại Điều 10 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 60.000-100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.

Nghị định 167/2013 đã thay thế Nghị định 73/2010 từ ngày 28-12-2013. Thế nhưng Nghị định 167/2013 đã bỏ hẳn nội dung này. Do vậy, kể từ thời điểm trên thì không thể xử lý đối với người có hành vi này.

Theo nguyên tắc của pháp luật thì cá nhân được làm những gì luật không cấm. Do hiện nay không có chế tài đối với hành vi này nên không thể xử lý những người khỏa thân. Văn hóa phương Tây cũng chỉ chấp nhận hành vi này đối với một số nơi nhất định, ví dụ như bãi tắm biển khỏa thân. Do đó việc bỏ chế tài này trong Nghị định 167/2013 có lẽ là việc thiếu hợp lý.

Quan điểm cá nhân tôi là nên đưa quy định này trở lại để bảo vệ nét thuần phong mỹ tục của nền văn hóa Phương đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tránh để một số người, nhất là giới trẻ có những hành vi lạm dụng ăn mặc hở hang ra đường làm ảnh hưởng không nhỏ tâm lý, định hướng về những chuẩn mực xã hội, nhất là với trẻ em.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/khoa-than-o-ma-pi-leng-co-bi-xu-phat-862886.html